Theo bài viết, L. cho biết đã cùng bạn gái đến một quán phở ở Hà Nội vào ngày 12/1. Khi người yêu nhờ nhân viên quán bế anh lên bậc tam cấp, đã bị từ chối với câu trả lời "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh".
Đến quán phở thứ 2, L. cho hay đây là "quán quen", hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi bé, xe lăn của anh hơi chen vào chỗ bà chủ quán. “Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên “ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”, nhân viên bảo “anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này”. Bà càng được đà “không bán được, đã thế thì tôi đứng”…”, L. viết.
Anh cho biết “bữa ăn nghẹn ứ ở cổ - thật khó nuốt”. Anh quen với cảm giác này rồi, còn bạn gái “nước mắt bắt đầu rơi”.
Câu chuyện của L. ngay lập tức khiến nhiều người bức xúc thay, đồng thời lên án 2 quán phở đã phân biệt đối xử với người khuyết tật. Bài viết nhận được 47 nghìn lượt like và 22 nghìn lượt bình luận – một lượng tương tác rất lớn trên mạng xã hội. Câu chuyện của Lâm cũng được chia sẻ rộng khắp các diễn đàn, hội nhóm.
Tuy nhiên, 1-2 ngày sau khi đăng tải, câu chuyện lại nhận được một luồng ý kiến khác từ phía dư luận. Nhiều người cho rằng, câu chuyện của L. thật khó tin, gây tiếng xấu cho người Hà Nội và văn hoá Hà Nội.
Nhiều ý kiến chia sẻ chưa từng gặp quán ăn nào kỳ thị người khuyết tật, thậm chí còn rất đồng cảm và hỗ trợ những người khuyết tật. Có những người đưa ra phân tích: Giả sử có chủ quán khó tính, đuổi khách thì người ta cũng không bao giờ dùng những câu như vậy. Những câu đuổi khách này nghe rất không “thật”.
Trao đổi với báo chí, đại diện quán phở xác nhận L. là khách quen, thường ăn phở vào buổi tối. Sáng 12/1, L. cùng bạn gái đến quán. Do lối vào quán nhỏ, trời mưa, chủ quán đã mời hai người ngồi quán cà phê đối diện rồi sẽ cho nhân viên bê phở sang.
“Nhưng bạn ấy vẫn muốn vào quán, chúng tôi tiếp đón bình thường”, đại diện quán cho biết. L.
Bạn gái ngồi bàn đầu tiên, phía sau lưng chủ quán, cạnh khu vực cân thịt gà. Chủ quán nhắc nhở L. lần sau đừng ngồi vị trí này, gây khó khăn bán hàng.
“Bạn ấy sau đó tươi cười, ăn uống bình thường, nhưng sau đăng bài lên mạng xã hội ám chỉ chúng tôi miệt thị là không đúng”, người này nói.
Chủ quán khẳng định không bao giờ dùng lời lẽ thô tục để đuổi khách, đặc biệt với người khuyết tật.
Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của VietnamNet, khá nhiều người đã khẳng định đây là cách làm “nội dung bẩn”, khơi gợi sự phân biệt vùng miền để gây chú ý, đặc biệt là trong thời điểm Lâm và bạn gái chuẩn bị chuyển vào TP.HCM sinh sống.
Thậm chí, có người đã nhắn tin tố cáo hành động của L. tới trang Fanpage của các cơ quan chức năng.