Việc Nga giữ được vị thế cường quốc không những không mâu thuẫn mà có lẽ còn phù hợp với các lợi ích của Seoul, bởi vì như vậy Nga vẫn là một nước láng giềng hùng mạnh và thân thiện của Bán đảo Triều Tiên, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Georgy Zinoviev phát biểu tại cuộc gặp với các phương tiện truyền thông Nga ở Seoul.Theo Đại sứ, Hàn Quốc là một trong những quốc gia “hữu nghị nhất trong số các quốc gia không thân thiện”, điều này được thể hiện một phần qua quan điểm của Hàn Quốc về chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraina.
“Dĩ nhiên, một mặt Hàn Quốc không thể cho phép mình có bất kỳ sự tùy ý hay thái độ “không phục tùng cấp trên” nào, chẳng hạn như trong việc đánh giá diễn biến sự kiện hiện tại... Nhưng đồng thời có sự khác biệt đáng kể giữa những nước không có ý tốt với chúng ta ở phương Tây và thậm chí cả ở khu vực châu Á, với cách Hàn Quốc nhìn nhận về những gì đang diễn ra. Bởi vì, theo tôi, họ không muốn Nga bị đánh bại, không muốn thấy Nga trở nên bất ổn, cũng như không khao khát thay đổi chế độ ở Nga, biến Nga thành con rối của phương Tây hay “một nước cộng hòa chuối”, - ông Zinoviev nhận định.
Theo ông, đối với Hàn Quốc nói chung, việc Nga duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới là điều thuận lợi, vì như vậy Nga sẽ tiếp tục là nước láng giềng thân thiện và hùng mạnh của Bán đảo Triều Tiên. Đây là một trong những yếu tố cơ bản quyết định lập trường của Hàn Quốc và Liên bang Nga trong mối quan hệ với nhau, ông nhấn mạnh.
"Có lẽ bởi vì ở đây, khác với các nước đối tác cũ của chúng tôi ở phương Tây, mọi người chưa mất liên lạc với đời sống thực và hiểu rất rõ rằng thất bại của Nga là điều không thể mong đợi, mà sẽ xảy ra điều ngược lại. Họ hiểu rằng cần phải chuẩn bị cho diễn biến sự kiện này cả về mặt tinh thần, chính trị và kinh tế", - Đại sứ nói thêm.
Hàn Quốc tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế chính chống lại Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina, nhưng vẫn tiếp tục giữ quan điểm chính thức về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Seoul cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraina dưới hình thức vật tư y tế và hàng hóa sử dụng cho quân đội, thiết bị rà phá bom mìn và xe cứu thương. Seoul cũng hứa sẽ viện trợ không hoàn lại 300 triệu USD cho Ukraina vào năm tới và thêm 2 tỷ USD từ năm 2025 thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF) dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp của chính phủ.