Cuối tháng 10 năm 2023, Tạp chí US News&World Report của Mỹ đã công nhận quân đội Nga là mạnh nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng này, Mỹ đứng thứ 2, Trung Quốc thứ 3, Israel thứ 4, Hàn Quốc thứ 5. Ukraina chiếm vị trí thứ sáu. Trong danh sách top 10 còn có Iran, Anh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Và bây giờ có một bảng xếp hạng mới về sức mạnh quân sự toàn cầu. Những người biên soạn bảng xếp hạng "hỏa lực toàn cầu" cố gắng tỏ ra khách quan. Theo họ, bảng xếp hạng này sử dụng hơn 60 yếu tố riêng biệt để xác định điểm PowerIndex của một quân đội quốc gia nhất định, với hạng mục từ số lượng đơn vị, và tình hình tài chính, cho đến khả năng hậu cần và địa lý. Những người biên soạn bảng xếp hàng PowerIndex cho biết, công thức này "cho phép các nước nhỏ cạnh tranh với các nước lớn, các nước kém phát triển về công nghệ cạnh tranh với các nước có công nghệ phát triển hơn".
Ngoài ra, cái gọi là "phần thưởng và hình phạt" được áp dụng cho quân đội của mỗi quốc gia cụ thể, xác định xu hướng: ổn định, đi xuống và đi lên. Họ nói rằng, trên cơ sở này bảng xếp hạng được cập nhật hàng năm. Đồng thời, các tác giả thừa nhận rằng, việc xác định các xu hướng này là một khái niệm tương đối và "không nhất thiết chỉ ra sự suy giảm sức mạnh chiến đấu".
Tuy nhiên, theo ước tính của GFP, "năm 2024, Nga đứng thứ 2 trong số 145 quốc gia được xem xét trong đánh giá hàng năm". Vị trí đầu tiên đã được trao cho Hoa Kỳ. Chỉ số sức mạnh chiến đấu (PwrIndx) của họ là 0,0699 (có xu hướng “ổn định”). Nga đứng vị trí thứ 2 với chỉ số 0,0702 (có xu hướng "ổn định"). Đúng như dự đoán, Trung Quốc chiếm vị trí thứ 3 với chỉ số 0,0706 (có xu hướng "ổn định"). Ở vị trí thứ 4 là Ấn Độ, với chỉ số 0,1023 (có xu hướng "ổn định"). Vị trí thứ 5 thuộc về Hàn Quốc với chỉ số 0,1416 (có xu hướng "đi lên"). Trong top 10 còn có Anh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Ý.
Trong danh sách top 10 không có Iran, Israel, Ukraina và Đức, họ chỉ đứng ở vị trí 14, 17, 18 và 19. Hơn nữa, Ukraina được xác định có xu hướng "đi xuống", nhìn chung, xu hướng này được cho là khách quan, xét theo tình hình trên tuyến liên lạc chiến đấu giữa Lực lượng vũ trang Ukraina và Lực lượng vũ trang Nga.
Điều đáng ngạc nhiên là nhóm tác giả Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự đã đánh giá thấp đồng minh thân cận nhất của Nga - Belarus. Quân đội Belarus chỉ được xếp ở vị trí thứ 64. Rõ ràng, họ chỉ dựa trên thực tế là Cộng hòa Belarus có lãnh thổ tương đối nhỏ và có một đội quân rất nhỏ gọn.
Nhưng, một lãnh thổ nhỏ và những con đường thuận lợi có nghĩa là hệ thống hậu cần được thiết lập tốt. Và không còn nghi ngờ gì nữa, ngành công nghiệp Belarus, vốn là một "cụm công nghệ cao" vào thời Xô Viết, có trình độ công nghệ cao, và lực lượng vũ trang của nước này có trình độ trang bị và huấn luyện cao.
Các nước thành viên ASEAN cũng được đưa vào Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2024. Các tác giả xếp Indonesia ở thứ hạng cao nhất trong số các nước ASEAN: vị trí thứ 13, PwrIndx 0,2251 (có xu hướng "ổn định"). Việt Nam ở vị trí 22, PwrIndx 0,3158 (đáng tiếc, xu hướng "đi xuống").
Vị trí thứ 25 thuộc về Thái Lan với PwrIndx 0.3389 (xu hướng "ổn định"). Singapore đứng thứ 30 với PwrIndx 0,4087. Philippines ở vị trí thứ 34 với PwrIndx 0,4691. Myanmar đứng thứ 35, PwrIndx 0,5251 (có xu hướng “đi lên”). Malaysia xếp thứ 42 với PwrIndx 0,5992. Còn hai nước láng giềng của Việt Nam – Campuchia và Lào – chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn - thứ 111 và 112 với PwrIndx, lần lượt là 2,1725 và 2,2071.
Các quốc gia khác nằm trong vành đai Thái Bình Dương cũng được đưa vào Bảng xếp hạng Hỏa lực toàn cầu năm 2024. Ví dụ, Australia đứng vị trí thứ 16. Đài Loan – thứ 24, Bắc Triều Tiên – thứ 36, New Zealand – thứ 67.