Mỏ vàng 5A đã hết phép khai thác từ lâu. Những năm qua, mỏ trở thành điểm nóng đào vàng trái phép. Dù địa phương từng tổ chức truy quét, đẩy đuổi, tình hình chỉ tạm lắng xuống một thời gian rồi lại “đâu vào đấy”.
Hàng trăm người dân đi đào vàng ở mỏ 5A
Theo báo Vnexpress, trong những ngày cuối năm Quý Mão, có hàng trăm người đã đến dựng lán trại, đưa máy móc tới đào vàng trái phép tại mỏ 5A, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Được biết, mỏ vàng 5A nằm cách huyện lộ ĐH5 khoảng 400 m. Dọc theo sườn núi, những người tới đào vàng đã dựng lên vài chục lán trại trên khu vực chừng khoảng 2ha. Mỗi ngày, có khoảng 100 người tới đào vàng thuê. Trong số đó, có người dùng cuốc xẻng đào đất đưa lên xe đẩy, người ngâm ủ xái quặng, người vận hành máy móc... biến nơi đây thành một “công trường” đào vàng.
Mỏ vàng 5A từng được tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Thành Lộc Sơn, ở địa chỉ thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn. Tháng 1/2017, mỏ hết phép, được bàn giao lại cho xã Phước Thành quản lý. Trong những năm qua, nơi này trở thành điểm nóng đào vàng trái phép. Hồi cuối tháng 7/2023, huyện Phước Sơn đã tổ chức truy quét, đẩy đuổi người đào vàng.
Sau khi hoạt động khai thác vàng trái phép tạm lắng xuống một thời gian, đến gần Tết Giáp thìn 2024, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, nhiều người lại đổ xô đến khu vực mỏ này để tìm vận may.
Những người đào vàng dùng bạt, cây và dây dựng lán trại, kéo điện lưới, đưa nước từ các đỉnh núi về; mua máy nổ, máy nghiền để xay đất đá, lấy nước xối để hứng vàng cám. Để tận thu vàng từ xái quặng, họ dùng vôi, soda, xyanua ngâm ủ. Sau khi lấy hết vàng, số hóa chất này tiếp tục bị đổ ra môi trường, gây ô nhiễm.
Theo một lao động cho hay, họ chủ thuê 200.000-300.000 đồng/ngày, với công việc là chở đất đá cho vào máy nghiền, sáng đi tối về. Cũng có người không làm thuê mà tự mua máy về đào đãi vàng.
"Nếu thấy lực lượng chức năng truy quét, chúng tôi sẽ cất giấu máy móc rồi chạy vào rừng hoặc lẩn trốn trong hầm. Họ rút đi, chúng tôi lại quay ra làm tiếp", báo Vnexpress dẫn lời một người tìm vàng.
Vì mỏ đã hết hạn khai thác, quặng vàng giờ không còn nhiều. Theo người đứng đầu một nhóm đào vàng, "ngày may mắn kiếm vài triệu đồng, ngày ít vài trăm". Dù biết rõ đây là công việc phi pháp, họ vẫn làm bởi "thu nhập cao hơn so với làm nông hay đi công nhân".
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết đã giao cho công an huyện phối hợp ban ngành truy quét đẩy đuổi những người khai thác trái phép tại mỏ 5A. Dù vậy, vì đây là khu vực nằm cách xa khu dân cư, người dân địa phương và nơi khác đến làm lén lút nên lực lượng chức năng gặp khó khăn.
"Họ phát hiện lực lượng chức năng thì bỏ trốn vào rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý", Vnexpress dẫn lời ông Trung.
Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, Công ty TNHH Thành Lộc Sơn hiện không còn hoạt động trên lĩnh vực khoáng sản. Trụ sở công ty đã di dời đi nơi khác, không xác định được địa chỉ nên việc đôn đốc doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ gặp khó khăn.
Ông Trung cho hay, UBND huyện đã giao cho công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan xác minh doanh nghiệp có còn hoạt động hay không. Nếu còn mà không làm thủ tục đóng cửa mỏ thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý.
Theo một bài viết của báo Công an TP. Đà Nẵng, nhóm phóng viên báo này từng bị các đối tượng khai thác vàng trái phép dùng hung khí lao ra đe dọa hành hung khi đến hiện trường khu vực mỏ 5A để tìm hiểu vào ngày 20/7/2023. Đến chiều 21/7, Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, cho biết đã chỉ đạo lực lượng công an huyện xác minh, làm rõ vụ việc nhóm phóng viên bị nhóm người cản trở, đuổi, đòi đánh khi tác nghiệp ở hiện trường bãi vàng trái phép.