Chiến công của những người Leningrad đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất. Bất chấp nạn đói, bom đạn và pháo kích, thành phố vẫn tiếp tục sống và chiến đấu!
Khi đang diễn ra cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), bọn Đức phát-xít đã bao vây thành phố Leningrad (nay là Saint-Peterburg) từ ngày 8 tháng 9 năm 1941 cho đến ngày 27 tháng 1 năm 1944, nhằm mục đích bẻ gẫy sự kháng cự của quân phòng thủ thành phố và chiếm lấy đô thị quan trọng này. Bộ chỉ huy Đức coi việc chiếm thành phố có ý nghĩa chiến lược và chính trị to lớn. Suốt gần 900 ngày đêm, liên lạc với Leningrad chỉ được duy trì qua hồ Ladoga và đường hàng không. Bọn địch ném bom và pháo kích liên tục vào địa bàn, đồng thời thực hiện nhiều nỗ lực hòng chiếm giữ thành phố.
Trong thời gian Leningrad bị bao vây, hơn 641.000 cư dân đã chết vì nạn đói và pháo kích (theo các nguồn dữ liệu khác, con số này không dưới 1 triệu người).
Trong vòng phong tỏa dưới bom đạn của kẻ thù, chịu đựng đói rét và thiếu thốn, cư dân Leningrad vẫn lao động tại các xí nghiệp quốc phòng và chiến đấu trong các đơn vị dân quân tự vệ. Quân đội Liên Xô nhiều lần cố gắng chọc thủng vòng vây, nhưng chỉ đạt được kết quả đó vào tháng 1 năm 1943, trong chiến dịch tấn công chiến lược của quân đoàn Leningrad và mặt trận Volkhovsky phối hợp với Hạm đội Baltic và hải đội Ladoga. Chiến dịch được tiến hành từ ngày 12 đến ngày 30 tháng 1 năm 1943, mục tiêu sắt đá là khôi phục hệ thống thông tin liên lạc trên bộ kết nối thành phố với đất nước Xô-viết ruột thịt.
Ngày 27 tháng 1 năm 1944, vòng phong toả Leningrad hoàn toàn bị phá vỡ. Vào ngày này, màn bắn chào đại bác và pháo hoa đã được tổ chức ở Leningrad (là ngoại lệ duy nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại; các loại pháo hoa khác chỉ diễn ra ở Matxcơva).