Việt Nam lại ở tâm điểm chú ý

Nhân vật hàng đầu nổi bật không cần tranh cãi trong các bài viết và thông báo về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông Nga, phương Tây và phương Đông tuần này là Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr., vào tuần tới sẽ lên đường vào chuyến công du đến Hà Nội.
Sputnik
Ngoài ra, báo chí trao tặng các độc giả khối lượng lớn thông tin đa dạng về Việt Nam trên các bình diện chính sách đối nội và đối ngoại, kinh tế và du lịch cũng như văn hóa. Những chủ đề này cùng là nội dung chính trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài" của Sputnik.

Đông và Tây đều cần Việt Nam

Có vẻ như năm 2024 đang bắt đầu sẽ không nhường chỗ cho năm 2023, vốn có rất nhiều chuyến thăm của các nhà hoạt động quốc gia nước ngoài tới Việt Nam.
Như Presidential Communication Office thông báo, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. sẽ thảo luận về an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp, thương mại và những vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đối tác chiến lược duy nhất của Philippines tại ASEAN.
Còn Reuter cho biết thêm, Philippines và Việt Nam cũng chuẩn bị ký thỏa thuận về hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, trong chừng mực Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đang cố gắng tăng cường quan hệ đối tác khu vực trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông. Thỏa thuận này sẽ bao gồm công tác bảo vệ môi trường biển cũng như các hoạt động tìm kiếm cứu nạn dành cho ngư dân của Philippines và Việt Nam.
Về chuyện này, Eurasian Times lưu ý rằng với những tuyên bố tham vọng chủ quyền khổng lồ ở Biển Đông, Trung Quốc thể hiện sự hoài nghi về tiến triển trong việc giải quyết vấn đề biên giới giữa các bên tranh chấp khác. Trong bối cảnh đó, ê-kip chính quyền của ông Marcos đang cố gắng thu hút các nước cùng chí hướng để củng cố vị thế của mình trong khu vực. Với thực tế Hà Nội vẫn còn tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam đã trở thành lựa chọn tự nhiên đối với kế hoạch hợp tác của Philippines trong lĩnh vực quốc phòng.
Nếu chuyến công du của Tổng thống Philippines đang sửa soạn bắt đầu, thì chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam đã được tiến hành. Nguyên thủ quốc gia CHLB Đức có tháp tùng của phái đoàn doanh nghiệp lớn từ nước ông, bởi Berlin đang tìm cách giảm độ phụ thuộc vào Trung Quốc, Reuters nhận xét. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống CHLB Đức tới Việt Nam lần này, các bên đã ký Biên bản Ghi nhớ duy nhất (MOU). Đó là Bản Ghi nhớ giữa Bộ LĐ-T &XH Việt Nam với Bộ Lao động và Xã hội Liên bang của Đức trong lĩnh vực lao động-việc làm, hướng cụ thể là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa lao động Việt Nam có tay nghề sang Đức.
Cổng thông tin Nga Grazhdanskiye sily lưu ý rằng Hà Nội đang trở thành lực lượng chính trị quan trọng mới ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng đến những tiến trình diễn ra trong khuôn khổ ASEAN cũng như cán cân quyền lực ở khu vực nói chung. Chính vì thế ngày nay Berlin, Washington và Bắc Kinh đang đua tranh để thiết lập quan hệ đối tác với Hà Nội.
Việt Nam có thứ mà nước Đức đang cần
Tờ Phnompenh Post thông báo rằng Campuchia và Việt Nam tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng thời, Malay Mail đưa tin về Hội chợ Vũ khí Quốc tế mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng 12 trong khuôn khổ chương trình đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí song hành mở rộng hợp tác trong sản xuất và xuất khẩu vũ khí.
Còn Delovoiy Petersburg cho biết, Nhà máy chế tạo máy Kingiseppskiy sẽ đóng những chiếc thuyền chuyên dụng cho Việt Nam, phiên bản xuất khẩu thuộc đề án 04190 "Sapphire" thuộc lớp "sông-biển". Trong vòng 4 năm, phía Nga phải bàn giao ít nhất 19 chiếc "Sapphire" cho Việt Nam. Những chiếc thuyền này có ưu điểm rất tốt về tỷ lệ động cơ, thân tàu và trọng lượng, cho phép tiêu thụ nhiên liệu ở mức thấp, đạt tốc độ cao và khả năng cơ động xuất sắc.

Những thách đố với Việt Nam và vấn đề kế nhiệm

The Economist có bài viết nêu ý kiến bàn về những thách thức đối với chính sách địa chính trị "trung gian nền tảng vàng" của Việt Nam. Nếu ông Donald Trump trở lại nắm quyền ở nước Mỹ, ông có thể nêu câu hỏi về quy mô thâm hụt của Hoa Kỳ trong thương mại song phương.
Tuyến bờ biển và đồng bằng sông Mê Kông dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Tình hình nhân khẩu học lành mạnh làm cơ sở cho sự tăng trưởng của đất nước đang thay đổi và dân số đang già đi. Trong bối cảnh đó, ấn phẩm khuyến nghị Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành cải cách chính trị, cũng như chọn người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Các vấn đề của tính liên tục cũng được nêu ra trong bài báo của Fulcrum. Tác giả cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cần khẩn trương tiến hành thể chế hóa hơn nữa quá trình kế nhiệm để đảm bảo tính nhất quán và kế thừa-liên tục.
Việt Nam dự kiến nối ray đường sắt với Trung Quốc từ 2025

Đã đến lúc công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường

Reuters báo tin Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã kêu gọi Washington gỡ bỏ nhãn hiệu "nền kinh tế phi thị trường" trong quan hệ với Hà Nội. Hãng thông tấn này lưu ý rằng việc duy trì mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là có hại cho liên hệ song phương đang ngày càng mật thiết.
Trong khi đó Rest of World đăng bài báo dài kể về việc thành lập "Phố Tàu" mới ở trung tâm công nghiệp Bắc Ninh, nơi các nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc đổ xô thành lập nhà máy mới khi xoá bỏ những hạn chế của Covid-19 và căng thẳng tiếp diễn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Còn Offshore Energy công bố về thành lập liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam, sẽ sáng chế, xây dựng và vận hành trạm nhập khẩu LNG nổi và nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên ở tỉnh Thái Bình, mua LNG và bán điện cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Tờ Freshplaza của Hiệp hội Rau quả Việt Nam báo tin vui: trong năm qua xuất khẩu rau quả đã tăng đáng kể 89,2%, yếu tố kích thích trước hết là do nhu cầu tăng từ phía Trung Quốc.
ETTelecom có bài viết về xung lực lớn trong việc Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc khi đất nước sẽ dựa chắc vào sử dụng nguồn dự trữ đất hiếm chưa được khai thác của mình. Bằng cách thu hút các công ty xử lý nguyên tố đất hiếm thành linh kiện điện tử, đất nước có thể xây dựng một nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức, có khả năng phục hồi và bền vững hơn nhiều trước những biến đổi về công lao động.
Có 15 công ty Mỹ, kể cả các công ty bán dẫn, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam với điều kiện đất nước này theo đuổi năng lượng tái tạo, như Investing đưa tin.
Còn cổng thông tin Aviation Explorer của Nga thông báo rằng công ty Hàn Quốc KP Aero Industries, nhà cung cấp cho hãng hàng không vũ trụ Boeing của Mỹ, sẽ rót vốn 20 triệu USD vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sản xuất linh kiện dành cho máy bay Boeing 787 và 737 Max.
Lộ diện liên danh nhà đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trị

Thái Lan hiện đang thắng

Ấn phẩm du lịch uy tín Travel and Leisure viết: "Cùng với lịch sử của nền văn minh ngàn năm, Hà Nội luôn thu hút du khách bởi hương vị vô song, bản sắc văn hóa phong phú và lối sống độc đáo không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào khác".
Ấn phẩm mách nước, khoảng thời gian nào là tốt nhất và tệ nhất nếu đến thăm những vùng miền khác nhau của Việt Nam.
Trong khi đó Travel Daily News kể rằng đợt rét đậm ập đến miền Bắc Việt Nam đã mang đến những vấn đề thách thức bất ngờ đối với ngành du lịch của khu vực.
Còn Association of Tour Operators of Russia (Hiệp hội Các công ty Lữ hành Nga) cho biết, bất kể triển vọng mở đường bay thẳng Matxcơva - TP Hồ Chí Minh nhưng do giá vé cao nên phần lớn khách hàng vẫn lựa chọn phương án tiết kiệm hơn, là bay nối chuyến khi đến Việt Nam. Vào thời điểm này, Thái Lan chắc hẳn nắm phần thắng trong việc tiếp đón du khách Nga: cơ sở khách sạn và lượng vận chuyển hàng không lớn hơn mà giá cả lại "mềm" hơn.

Điện ảnh Việt trên đà phát triển

Tờ Motion Pictures đăng bài viết thú vị, phỏng vấn nhà sản xuất phim nổi tiếng của Việt Nam Trần Thị Bích Ngọc, kể về các Liên hoan Phim Quốc tế tổ chức ở Việt Nam, về các đạo diễn trẻ tài năng, vụ việc vi phạm bản quyền và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Thảo luận