Dọc tuyến có 6 trạm xe đạp công cộng kết nối với hàng chục tuyến xe buýt, trong đó có trạm trước cổng Đại học Giao thông Vận tải và trạm tại ga Láng. Đây là mảnh ghép công cộng đầu tiên và rất quan trọng của Thủ đô.
Đơn vị vận hành dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cho biết sẽ bổ sung khoảng 100 xe đạp thường và xe trợ điện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trong thời gian tổ chức thí điểm, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiến hành đánh giá, phân tích kỹ tồn tại, bất cập của phương án và điều chỉnh cho phù hợp nếu cần, đảm bảo giao thông ổn định, thuận tiện, hạn chế ùn tắc giao thông.
Trước đó, làn đường ven sông Tô Lịch được đầu tư gần 65 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019. Đường này dành cho người đi bộ, nhưng do có quá nhiều xe máy đi vào nên Hà Nội đã rào chắn 2 đầu tuyến đường để cấm xe đi vào.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, xe đạp công cộng là mảnh ghép không thể thiếu để phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Tại các nước tiên tiến trên thế giới và gần nhất với Việt Nam là Trung Quốc, xe đạp công cộng được chú trọng đầu tư, phát triển.
Hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội vẫn đang gấp rút chỉnh trang, hoàn thiện tuyến đường dành riêng cho xe đạp lưu thông dọc sông Tô Lịch (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Đại học Giao thông Vận tải) để làm làn đường dành riêng cho xe đạp.
Các phần công việc được triển khai gồm sơn phân chia làn đường dành cho xe đạp và làn dành cho người đi bộ. Trong đó, xe đạp sẽ được lưu thông hai chiều tại làn đường sát mép sông Tô Lịch, còn người dân đi bộ tại làn giáp với đường Láng.