Trong những bài mạn đàm trước, chúng tôi đã nói về việc Liên Xô bắt đầu cung cấp viện trợ kỹ thuật quân sự cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Matxcơva vào tháng 2 năm 1950. Trong thời gian chuyến thăm thứ hai vào tháng 10 năm 1952, giới lãnh đạo Liên Xô đã phát triển một chương trình rộng rãi nhằm hỗ trợ thêm cho nước cộng hòa non trẻ có tính đến mong muốn của Hồ Chí Minh.
Đến tháng 5 năm 1954 là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhận được từ Liên Xô 76 súng phòng không, một số lượng lớn đại bác, súng máy và súng trường tấn công Kalashnikov, 12 bệ phóng tên lửa đa năng Katyusha, hàng trăm xe tải và hàng tấn thuốc men. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng Vân, gói viện trợ này đã làm tăng đáng kể sức mạnh và khả năng chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhờ đó các chiến sĩ Việt Nam đã tiến hành 8 chiến dịch lớn trên chiến trường chính ở Bắc Bộ và hoàn thành sứ mệnh giải phóng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đồng thời, sự giúp đỡ của Liên Xô cho các lực lượng yêu nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất không chỉ giới hạn ở viện trợ quân sự.
Các tác phẩm văn học Liên Xô có tầm quan trọng lớn đối với việc giáo dục lòng yêu nước cho người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt - với sự tham gia của đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh - và đã được in tại các nhà in ở vùng giải phóng. Độc giả Việt Nam thời bấy giờ rất yêu thích những cuốn sách mô tả các sự kiện cách mạng, cuộc nội chiến ở Nga và cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức. Trong số những cuốn sách này có các tiểu thuyết "Người Mẹ" của Maxim Gorky, "Sông Đông êm đềm" của Mikhail Sholokhov, "Thép đã tôi thế đấy" của Nikolai Ostrovsky, "Người Xô viết chúng tôi" của Boris Polevoy, "Ngôi sao bất tử" của Emmanuil Kazakevich, "Tỉnh ủy bí mật" của Aleksei Fedorov.
Mùa hè năm 1951, nhóm thanh niên Việt Nam đầu tiên đã đến Matxcơva để học tại các trường đại học Liên Xô. Ở Việt Bắc, khi tiễn họ đi xa, Bác Hồ nói với họ rằng, sau chiến thắng nhân dân Việt Nam sẽ cần những chuyên gia xuất sắc trong những nghề hoà bình mà những người đi Liên Xô phải trở thành.
Kể từ năm 1953, các nhóm sinh viên Việt Nam bắt đầu đến Liên Xô trên cơ sở thường xuyên. Năm đó, số lượng sinh viên vượt quá 200, họ bắt đầu học tập tại các trường đại học xây dựng, công nghệ, nông nghiệp, giao thông đường bộ, tài chính và y tế. Sau này, nhiều người trong số họ đã trở nên nổi tiếng khắp Việt Nam.
Ngày 3/9/1951, đài phát thanh Matxcơva bắt đầu phát sóng chương trình bằng tiếng Việt. Theo ghi nhận của ông Trần Lâm, người đầu tiên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, các chương trình phát thanh từ Matxcơva ngay lập tức trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho lực lượng yêu nước Việt Nam.
Nhà báo Trần Lâm - Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam
© Ảnh : Kỷ niệm về nhà báo Trần Lâm
Ngày 23/4/1952, Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Nguyễn Lương Bằng, trình Quốc thư tại Điện Kremlin. Mọi chi phí cho hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam đều do phía Liên Xô đảm bảo.
Tháng 8 năm 1952, bộ phim "Việt Nam kháng chiến" bắt đầu được chiếu tại Matxcơva và sau đó tại các thành phố khác của Liên Xô, nhờ đó người dân Liên Xô có thể hiểu rõ hơn về người Việt Nam và cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của họ.
Vào tháng 10 năm 1952, khi tham dự không chính thức Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về điều này cũng như về tầm quan trọng của sự giúp đỡ của Liên Xô đối với những người yêu nước Việt Nam.
Cùng năm đó, Liên Xô đã gửi đến Việt Nam một lô hàng lớn gồm các tờ báo, tạp chí, 308 phim truyện và 60 phim tài liệu, hàng nghìn đĩa hát ghi âm các bài dân ca Liên Xô và Nga, 3.640 máy ảnh, 24 máy chiếu phim cũng như các thiết bị dành cho ngành điện ảnh Việt Nam đang được tạo ra vào thời điểm đó.
Năm 1953, theo sáng kiến của Đoàn Liên Xô, Đại hội Công đoàn quốc tế lần thứ III đã thông qua quyết định: ngày 19/12 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế đoàn kết với cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, chính phủ Liên Xô đã cử hai tàu Arkhangelsk và Stavropol để giúp chuyển quân và người dân tập kết ra Bắc. Theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai chiếc tàu này cùng hơn 30 thủy thủ đã được tặng thưởng Huân chương Lao động. Năm 1954, Matxcơva đã tặng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hai tàu sông-biển, hai chiếc tàu này cũng đóng vai trò quan trọng trong sự kiện tập kết ra Bắc. Vào cuối năm đó, những con tàu đầu tiên của Liên Xô chở hàng hóa cần thiết cho nước cộng hòa đã lên đường đến Việt Nam từ các cảng trên Biển Đen và trên bờ biển Thái Bình Dương.
Vào năm 1954, nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cử sang phục vụ tại Việt Nam DCCH. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ thành lập trường đại học nông nghiệp đầu tiên ở miền Bắc, phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo nhân sự. Đồng thời, Liên Xô đã gửi tất cả các thiết bị cần thiết cho trường cơ khí điện máy và cử 9 giảng viên cho trường này. Một số trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam cũng đã nhận được từ Matxcơva các trang thiết bị cần thiết cho phòng thí nghiệm.
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Liên Xô bắt đầu hỗ trợ khôi phục khai thác than ở Quảng Ninh. Khi rời khỏi Việt Nam, các chuyên gia khai thác than của Pháp đã cho rằng, chính quyền nhân dân sẽ có thể vực dậy ngành này sớm nhất là sau 50 năm. Nhưng, với sự giúp đỡ của Liên Xô, thời gian này đã giảm đi gấp 10 lần.
Các chuyên gia Liên Xô đã giúp khôi phục và cải thiện các mỏ than Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu với công suất gần 4 triệu tấn than/năm, mỏ Vàng Danh với công suất 600 nghìn tấn/năm và mỏ Mông Dương với công suất 900 nghìn tấn/năm. Cùng năm đó, các chuyên gia đầu tiên của Liên Xô trong lĩnh vực thăm dò dầu khí bắt đầu làm việc tại nước Việt Nam DCCH. Và hai năm sau, khi biết rõ ở Việt Nam có trữ lượng lớn nguyên liệu thô này, Liên Xô bắt đầu đào tạo chuyên gia dầu mỏ Việt Nam tại các trường đại học ở Matxcơva và Baku.
Ngày 12 tháng 8 năm 1954, ông Lavrishev đã được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Xô-viết tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó chưa hề có đại sứ hay sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Ngày 4 tháng 11, ông trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và ba ngày sau, lễ chiêu đãi chính thức đầu tiên nhân dịp Cách mạng Tháng Mười được tổ chức tại sứ quán Liên Xô.
Liên quan đến sự kiện này, Hồ Chí Minh viết trên báo Nhân Dân: "Người dân Liên Xô từ già đến trẻ đều thấm nhuần tinh thần đoàn kết quốc tế với Việt Nam".
Câu nói này của Hồ Chí Minh đã được tái khẳng định trong giai đoạn giữa hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, khi sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất thực sự toàn diện. Sputnik sẽ kể về điều này trong các bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài "Những trang sử vàng".