Việt Nam bước sang năm Giáp Thìn 2024 với những thành công và khó khăn gì? Đây là chủ đề chính trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Sự thiếu quyết đoán chính trị cản trở sự tiến bộ
Tờ The Statesman viết, Việt Nam đã trở thành một đối tác được săn đón, có vị trí chiến lược giữa hai siêu cường - Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2023 đã nêu bật tầm quan trọng của đất nước này trên trường quốc tế. Các chính sách thực dụng và hỗ trợ doanh nghiệp đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng, những vấn đề nội tại của Việt Nam tạo ra những khó khăn nhất định trên con đường đi đến thịnh vượng. Cuộc chiến chống tham nhũng tuy cần thiết nhưng đã khiến các quan chức lưỡng lự trong việc bật đèn xanh cho các dự án lớn vì lo ngại bị nghi ngờ nhận hối lộ. Một lĩnh vực quan trọng mà sự do dự trở nên quá nghiêm trọng là năng lượng. Đơn giản hóa các quy định và giảm tệ quan liêu đang trở nên cấp thiết để duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến thân thiện với doanh nghiệp. Theo tác giả bài báo, đối với một đất nước đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc vượt qua sự thiếu quyết đoán về chính trị, hợp lý hóa các chính sách và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn là rất quan trọng.
Tờ The Diplomat viết về tầm quan trọng của thỏa thuận Việt Nam-Philippines, theo đó Việt Nam đồng ý cam kết thương mại 5 năm để cung cấp gạo trắng cho khu vực tư nhân Philippines, từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấn gạo mỗi năm với mức giá cạnh tranh và phải chăng. Tại sao thỏa thuận này lại quan trọng? Philippines không tự chủ được về sản xuất lúa gạo nên thường phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Sự phụ thuộc này càng trầm trọng hơn khi đất nước bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan hoặc hạn hán khắc nghiệt. Năm 2023, sản lượng gạo tại Philippines đã giảm do El Nino và quốc gia này lại chứng kiến giá gạo cao hơn do Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Trong điều kiện này, thỏa thuận với Việt Nam sẽ tạo ra “đệm an toàn” cho đất nước. Trong tình huống này, việc ký kết các thỏa thuận nhằm đảm bảo tiếp tục tiếp cận các mặt hàng quan trọng như gạo, than đá hoặc dầu cọ, ngay cả khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu áp lực, phục vụ lợi ích của tất cả các nước trong khu vực.
Bí quyết giúp kinh tế tăng trưởng ổn định nằm dưới lòng đất
Japan Times đưa ra nhận định cho rằng, Việt Nam sẽ thành công nếu sử dụng hiệu quả trữ lượng đất hiếm. Mặc dù sản lượng hiện tại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nguồn cung toàn cầu nhưng nước này sở hữu trữ lượng đất hiếm chiếm khoảng 17% trữ lượng đất hiếm thế giới, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Mặc dù các chính trị gia có thể dễ dàng dựa vào lao động giá rẻ và lắp ráp đơn giản để cung cấp hàng nghìn công việc trên đủ các lĩnh vực, nhưng họ có cơ hội tốt hơn nhiều để xây dựng một tương lai đầy thịnh vượng bằng cách tận dụng lợi thế độc nhất của mình nằm dưới lòng đất. Trong quá trình thu hút các công ty biến đất hiếm thành linh kiện điện tử, Việt Nam có thể xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức và có khả hăng phát triển bền vững hơn nhiều.
Theo tờ Deccan Herald (Ấn Độ), Ấn Độ nên củng cố sức cạnh tranh trong Ấn Độ không phải là Trung Quốc mà là Việt Nam. Tờ The Star của Malaysia đưa tin, năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, bất chấp cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước này đều sụt giảm. Viện nghiên cứu Úc tên Lowy Institute đăng tải một bài dài về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó đề cập đến việc các nước công nghiệp phát triển giúp các nước như Việt Nam chuyển đổi khỏi than đá một cách công bằng và minh bạch. Tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Dubai (COP28), phái đoàn Việt Nam đã công cố kế hoạch đầu tư để biến mối quan hệ đối tác này thành hiện thực. Nhưng các kế hoạch đầu tư của Việt Nam có một vấn đề: Chính phủ không đủ nguồn tài chính để kích thích đầu tư tư nhân quy mô lớn. Chính phủ có các ưu tiên khác: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng và bảo trợ xã hội.
Số phận khó khăn của nhà triết học lỗi lạc
Tạp chí Jacobin, một tạp chí theo xu hướng cánh tả – chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, đăng tải bài viết tưởng niệm nhà triết học lỗi lạc người Việt Trần Đức Thảo sống như người khổ hạnh. Số phận khó khăn của ông “phản ánh nhiều căng thẳng và mâu thuẫn của thế kỷ XX xung quanh chủ nghĩa thực dân và nền độc lập, vai trò của trí thức ở cả các nước tư bản và cộng sản, vai trò của chủ nghĩa Mác và mối liên hệ của nó với các dòng tư tưởng khác, Chiến tranh Lạnh và lịch sử chủ nghĩa cộng sản châu Á".
Gà rồng có mặt trên mọi bàn tiệc lễ Tết
Báo chí thế giới không thể bỏ qua Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Một số ấn phẩm phương Tây và phương Đông viết về gà Đông Tảo là giống gà quý hiếm, còn được gọi là gà rồng, nổi tiếng với đôi chân to bất thường. Gà Đông Tảo từ lâu đã trở thành đặc sản của Việt Nam và được tiêu thụ chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Giống gà này được coi là "gà tiến vua", vì vốn chỉ được dành để cống dâng cho vua chúa. Mỗi con gà trưởng thành nặng tới 6 kg. Ngày nay, nhu cầu về gà Đông Tảo, loại thịt giòn, có mùi thơm đặc trưng và vị đậm đà, đã tăng vọt bởi vì số lượng người giàu ngày càng tăng ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, các ấn phẩm lưu ý.
Chúng tôi xin gửi lời chúc mừng đến toàn thể độc giả, toàn thể người dân Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên Đán, kính chúc quý vị sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, gia đình hòa thuận! Cầu mong năm Rồng mang đến cho Việt Nam một năm mới thịnh vượng, thành công rực rỡ trong mọi việc, cuộc sống hạnh phúc, những năm tháng bình yên!