Chiều 15/2, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định tăng 711 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, lên 22.831 đồng/lít; tăng 657 đồng/lít đối với xăng RON 95, lên 23.919 đồng/lít.
Mức giá như trên, cơ quan điều hành tiếp tục thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut 180CST 3.5S ở mức 300 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95-3, dầu diezel 0.05S và dầu hỏa.
Không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95-3, dầu diezel 0.05S, dầu hỏa, dầu mazut 180CST 3.5S.
Như vậy kể từ đầu năm đến nay, sau phiên điều chỉnh giảm trước kỳ nghỉ Tết, giá xăng dầu đã tăng trở lại, ghi nhận có tới năm phiên tăng và chỉ có hai phiên giảm kể từ đầu năm 2024.
Sau điều chỉnh, giá xăng trong nước hiện ngang với mức hồi tháng 11/2023.
Thời gian điều chỉnh giá và trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá vào 15h ngày 15/2.
Theo Dân Trí, lý giải về nguyên nhân giảm giá xăng, cơ quan quản lý cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành từ ngày 8/2 đến ngày 14/2 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Cụ thể, tâm lý lo ngại căng thẳng tại khu vực Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu; xung đột tại khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển; Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì dự đoán nhu cầu dầu tăng trong năm nay; sự sụt giảm công suất hoạt động của các nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ…
"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu thế chung là tăng", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Liên quan đến kinh doanh xăng dầu, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội.