Chúng ta đã nói về sự hỗ trợ được Liên Xô cung cấp những năm 1954-1956 để đáp ứng cho nhu cầu tái thiết miền Bắc Việt Nam. Công việc này tiếp tục ở quy mô lớn hơn vào những năm 1957-1960.
Trong giai đoạn này, hàng chục phái đoàn Liên Xô đã đến Việt Nam DCCH – đó là các đại diện Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hiệp hội nghệ thuật-sáng tạo. Đã xúc tiến công việc tích cực nhằm thiết lập và phát triển hợp tác, theo đó mở rộng sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam DCCH trên nhiều hướng nhiều lĩnh vực. Hai bên ký kết thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và hoạt động xuất bản. Trên cơ sở các hiệp định đã ký, kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai nước tăng trưởng đáng kể. Tại Việt Nam DCCH đã tổ chức thành công những chuyến tham quan lưu diễn của các nghệ sĩ Liên Xô, chiếu phim Xô-viết, triển lãm sách và thành tựu khoa học-kỹ thuật Liên Xô, triển lãm ảnh về Liên Xô và phong trào đoàn kết của nhân dân Liên Xô ủng hộ Việt Nam.
Năm 1957
Tháng 7 năm 1957, Chính phủ Liên Xô gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc máy bay "IL-14" cùng với chiếc "AN-24" đã bàn giao trước đó. Ngay tháng sau, máy bay đã kịp thời cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân chịu thiên tai lũ lụt ở hàng loạt vùng của nước Cộng hòa non trẻ.
Các chuyên gia Liên Xô đến Việt Nam DCCH với số lượng ngày càng tăng. Kết quả công tác của họ làm hài lòng cả hai bên. Tháng 2 năm 1957, cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp đầu tiên ở nước Cộng hòa được đưa vào vận hành. Tháng 9 năm đó – khai trương nhà máy chè ở Phú Thọ. Tháng 12, khánh thành công trình xây dựng các nhà máy thủy điện Tà Sa và Nà Ngàn khởi đầu từ năm 1955 ở Cao Bằng.
Máy bay "AN-24"
© Sputnik / Vitali Bezrukikh
Năm 1958
Tháng 1 năm 1958, hoàn tất việc kiến thiết và lắp đặt trang thiết bị của Bệnh viện Chữ thập đỏ Hà Nội. Tháng 4, nhà máy Cơ khí hiện đại đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam đi vào hoạt động. Trong các phân xưởng của cơ sở này bố trí hơn 200 cỗ máy cái được đưa tới từ Liên Xô. Trong quá trình xây dựng và trang bị xí nghiệp có sự đóng góp của các chuyên gia từ nhà máy "Vô sản đỏ" Matxcơva, và nhà máy Cơ khí Hà Nội đã thành anh em kết nghĩa của doanh nghiệp Matxcơva. Tháng 9 năm 1958, Đài phát thanh Mễ Trì bắt đầu công việc, giúp tăng khả năng phát sóng radio trong nước lên gấp 20 lần còn thời lượng phát thanh ra nước ngoài – tăng gấp đôi.
Hàng chục chuyên gia Liên Xô tham gia những công trình này đã được tặng thưởng Huân chương của nước Việt Nam DCCH, Dân chủ Cộng hòa, hàng trăm người được nhận Huy chương. Huân chương Lao động hạng Nhất được trao cho tàu nạo vét Xô-viết "Chiến thắng của vùng đất" hoạt động tại khu vực Nam Triệu và Cửa Cấm của cảng Hải Phòng. Con tàu này đã dời chuyển được 5 triệu rưỡi mét khối đất đá, nhờ vậy tàu có tải trọng trên 10.000 tấn cũng vào được cảng.
Thời gian cuối năm 1958 đánh dấu bằng việc ký kết hiệp định liên Chính phủ kế tiếp về trao đổi hàng hóa. Văn kiện này dự trù tăng 70% nguồn cung cấp lẫn nhau của hai nước trong năm 1959.
Năm 1959
Tháng 1 năm 1959, một trong những tờ báo trung ương của Liên Xô là "Izvestia" đã phát hành số đặc biệt dành riêng về Việt Nam. Trong thư cảm ơn gửi Ban biên tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng chính sự giúp đỡ của Liên Xô đã giúp nhân dân Việt Nam mau chóng khôi phục đất nước đã bị tàn phá nặng nề trong 9 năm chiến tranh thời thuộc Pháp.
Và sự giúp đỡ này vẫn được tiếp nối. Tháng 3 năm 1959, Liên Xô và Việt Nam DCCH ký Hiệp định Hợp tác về kinh tế, khoa học-kỹ thuật. Tương ứng, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam DCCH khoản tín dụng lớn, bắt đầu hỗ trợ xây dựng nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Bàn Thạch, mỏ than và trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng như cung cấp cho phía Việt Nam nhiều tài liệu, sách tham khảo về đề tài theo các chuyên ngành khoa học-kỹ thuật.
Tháng 11, bắt đầu việc sản xuất điện ở nhà máy điện Lào Cai, được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô. Tháng tiếp theo, phía Liên Xô bàn giao cho ngư dân Việt Nam 3 tàu đánh cá với đầy đủ mọi trang thiết bị hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Nhóm chuyên gia từ Vladivostok đến Việt Nam để tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực thủy-hải sản, cụ thể là xác định những phương pháp đánh bắt cá tôm hiệu quả nhất thích hợp với điều kiện của Việt Nam DCCH.
Triển lãm Thành tựu Khoa học-Kỹ thuật và Văn hóa Liên Xô diễn ra tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Sau khi bế mạc sự kiện, toàn bộ hiện vật được tặng lại cho Bộ Văn hóa Việt Nam DCCH. Rồi sau đó cũng tại thủ đô Hà Nội đã tiến hành cuộc triển lãm mới của Liên Xô, dành riêng cho chủ đề sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Vào tháng 10, tại các địa phương của Việt Nam DCCH đã tổ chức các buổi lưu diễn của 28 nghệ sĩ Liên Xô thuộc nhiều thể loại khác nhau. Tháng 11, "Tuần lễ Điện ảnh Liên Xô" khai mạc bằng buổi chiếu phim "Số phận một con người". Cùng trong tháng này, một đội bóng Liên Xô đã đến nước Cộng hòa. 23 cầu thủ đại diện cho các Câu lạc bộ bóng đá hàng đầu của Liên Xô đã thi đấu hàng loạt trận với các cầu thủ từ các tỉnh, thành phố khác nhau của Việt Nam DCCH.
Năm 1960
Vào đầu năm này, Việt Nam DCCH tiếp đón phái đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Mười bác học hàng đầu của đất nước Xô-viết đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam và cùng thảo luận về những phương hướng hợp tác khoa học-kỹ thuật cụ thể. Tháng 4, Nghị định thư về trao đổi thương mại giữa Liên Xô và Việt Nam DCCH năm 1960 được ký kết tại Hà Nội.
Văn kiện này dự trù đảm bảo tăng 50% nguồn cung cấp song phương. Tháng 6, hai bên ký kết Thỏa thuận liên Chính phủ về hợp tác sản xuất gỗ công nghiệp. Phía Liên Xô đảm nhận nghĩa vụ dành hỗ trợ cho Việt Nam DCCH trong khâu tổ chức các xưởng lâm nghiệp, sửa chữa, xây dựng nhà máy chế biến chè, cà phê, xí nghiệp sản xuất nước quả và trái cây đóng hộp. Để hoàn thành những công tác này, Việt nam DCCH được cấp khoản vay đáng kể với những điều kiện ưu đãi thuận lợi nhất.
Hàng chục chuyên gia Liên Xô công tác trên đất Việt Nam những năm 1959-1960 đã được Nhà nước Việt Nam DCCH tặng thưởng Huân chương, Huy chương. Còn khi khép lại giai đoạn này, vào cuối năm 1960, hiệp định về việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam DCCH đã được ký kết, nhưng điểm mới là không phải trong 1 năm như trước đây mà với thời hạn 5 năm. Tiến trình thực hiện văn kiện lịch sử này sẽ được phản ánh trong cuộc đàm đạo kế tiếp của loạt bài chuyên mục "Những trang lịch sử".