“Tên lửa Taurus có tầm bắn 500 km và nếu sử dụng không đúng cách, nó có thể bắn trúng mục tiêu ở đâu đó tận Moskva”, - ông nói trong cuộc gặp gỡ người dân Dresden.
Người đứng đầu chính phủ lưu ý rằng để đảm bảo kiểm soát việc sử dụng tên lửa Taurus cần phải cử quân nhân Đức tới Ukraina, nhưng theo ông, việc này bị loại trừ.
Taurus KEPD 350/150 là tên lửa hành trình tầm xa của Đức-Thụy Điển được thiết kế để tấn công với độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt mà không cần để máy bay tác chiến đi vào vùng phòng không của đối phương.
“Tôi xin nói bằng tất cả sự trừu tượng của ngôn ngữ ngoại giao: những người khác cũng muốn biết biết chính xác thứ gì sẽ tiếp đất ở đâu”, - ông Scholz nói thêm.
Tuần trước, Hạ viện Đức (Bundestag) đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo chống lại dự thảo nghị quyết trực tiếp kêu gọi chính phủ Đức tiến hành cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraina.
Điểm gây tranh cãi chính trong vấn đề này vẫn là tầm bắn của tên lửa - 500 km. Cho đến nay, Đức về cơ bản chưa cung cấp cho Kiev loại vũ khí nào có tính năng tương tự. Cộng đồng chuyên gia Đức đã thảo luận về việc liệu có thể lập trình tên lửa để chúng không thể được đem ra tấn công lãnh thổ Nga hay không. Theo Der Spiegel, đây chính là vấn đề mà ông Scholz quan tâm và do đó có tin đã diễn ra các cuộc tham vấn với đại diện của ngành công nghiệp quân sự.
Vào tháng 1, báo Handelsblatt của Đức dẫn lời các nhà ngoại giao cấp cao và quan chức chính phủ cho biết Vương quốc Anh đề nghị Đức bán tên lửa hành trình Taurus cho họ để London có thể cung cấp thêm tên lửa Storm Shadow cho Ukraina. Sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng ông không biết gì về đề xuất này.