Tục "Kéo vợ" của người Mông vốn là nét đẹp văn hóa, thể hiện tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn cản, ràng buộc bởi sính lễ. Tuy nhiên, tập tục hiện nay đang bị biến tướng, lợi dụng khi chưa có sự đồng ý của người nữ. Nhiều cô gái trẻ đang tuổi đến trường bỗng thất học, phải lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn, gây ra nhiều hệ lụy không đáng có.
Sinh ra và lớn lên tại huyện biên giới Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trong gia đình nghèo đông anh em, cô gái người Mông Sùng Thị Sơ (2002) không để những biến tướng của phong tục dân tộc mình cản trở con đường đến với tri thức. Hiện Sơ chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Sputnik có dịp trò chuyện với Sùng Thị Sơ để hiểu hơn về quá khứ cũng như ước mơ và quá trình vươn lên của cô gái trẻ người dân tộc Mông.
Một số hoạt động của Sùng Thị Sơ tại các tổ chức quốc tế
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Sputnik: Xin chào Sơ! Trải qua 3 lần bị "bắt đi làm vợ" theo phong tục, trốn thoát và đấu tranh vì con đường học tập, Sơ có mong muốn gì đối với các bạn nữ là dân tộc thiểu số (DTTS) giống như bạn?
Sùng Thị Sơ:
Sơ cho rằng, “giáo dục là chìa khóa” để mỗi chúng ta có thể tiếp cận với tri thức. Chỉ có giáo dục mới thay đổi được tư duy, những quan điểm của chúng ta xem nó còn phù hợp với thời thế không hay đã đến lúc thay đổi theo cách văn minh hơn. Một lần nữa, Sơ mong rằng giới trẻ trong cộng đồng các dân tộc ít người nói chung, và cộng đồng người Mông tại Việt Nam nói riêng sẽ có nhiều cơ hội khác được đi học, và phải thực sự nỗ lực hơn. Chỉ khi chúng ta nhận thức đúng vấn đề thì mới hành động đúng được.
Mình muốn nhắn đến các cô gái người Mông rằng, nếu một ngày nào đó bạn không may bị cưỡng ép kéo đi trái với ý muốn của mình thì hãy dũng cảm vượt qua. Sơ tin rằng chắc chắn sẽ có người sẵn lòng giúp đỡ, hãy cứ nỗ lực đi làm điều mình mong muốn ngay cả khi bạn chỉ có một mình.
“Hãy kết hôn khi bản thân sẵn sàng”. Sẵn sàng ở đây là sự chủ động, sự tự do lựa chọn trong hôn nhân - mình sẽ kết hôn với ai, mình có thực sự muốn kết hôn với người đó hay không? Sở dĩ mình nói vậy là xuất phát từ những chứng kiến các cuộc hôn nhân không hạnh phúc quá nhiều. Một số người phụ nữ Mông rất chịu khó, nhẫn nại, hy sinh nhưng không phải vì bản thân mình mà là vì người khác. Có những người phụ nữ họ không có lựa chọn, họ làm thế vì đấy là bước đường cùng rồi. Những định kiến, những khuôn mẫu của một xã hội không chỉ đơn giản như cách chúng ta vẫn thường hay nói.
Những người phụ nữ hãy yêu thương bản thân mình thật nhiều và tìm đến sự giúp đỡ ở những người mình tin tưởng. Một đời rất dài, không tạm bợ được. Phụ nữ có thể béo một chút cũng được, cứng đầu một chút, yếu đuối một chút, lấy chồng sớm hay muộn một chút đều được, nhưng không được phép để người đàn ông không tôn trọng mình, coi thường mình.
Không có gì là không thể thay đổi cả, mình muốn là sẽ có cơ hội để làm điều đó. Và mình tin là sẽ có người sẵn sàng đứng lên để bảo vệ mình nên nếu gặp phải những trường hợp như vậy hãy kêu cứu. Chúng ta nên kết hôn khi đã đủ tuổi theo quy định của pháp luật, và khi chúng ta đủ lớn về cả nhận thức, có tri thức và có đủ sức để bảo vệ bản thân an toàn nhất.
Một số hoạt động của Sùng Thị Sơ tại các tổ chức quốc tế
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Sputnik: Theo bạn, gia đình có vai trò ra sao trong việc giáo dục trẻ em gái và trẻ vị thành niên DTTS, đặc biệt trong việc nhận biết được quyền lợi của mình?
Sùng Thị Sơ:
Theo mình, gia đình có vai trò tiên quyết, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng thực hiện chức năng về tình cảm và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập và phát triển, ảnh hưởng của kinh tế - xã hội, tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại, công nghệ số, mạng xã hội đã làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp.
Vì vậy hơn bao giờ hết, mình thấy cần thiết phải tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, bố mẹ là tấm gương phản chiếu cho con cái noi theo.
Sùng Thị Sơ - cô gái Mông trở thành luật sư sau ba lần bị bắt làm vợ
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Ở một số cộng đồng ít người khác thế hệ ông bà, cha mẹ chưa có cơ hội tiếp cận với giáo dục, đây cũng là lý do vì sao mình nhấn mạnh rằng “giáo dục là chìa khóa để mở những cánh cửa khác”. Lớp trẻ như mình nên nỗ lực hơn, ít nhất là có đủ kiến thức để bảo vệ bản thân mình đầu tiên, sau đó mới trả lời được những câu hỏi: “Vì sao con cần được đi học?, Vì sao bố mẹ nên nghĩ cách khác để cải thiện hoàn cảnh sống của gia đình thay vì chỉ khuyên con chỉ cần biết đi lên nương làm rẫy?, Vì sao con là con gái nhưng lại càng cần thiết để đi học?, ….”.
Trong thời gian qua, mình không phủ nhận việc cộng đồng đang cố gắng, rất nỗ lực học hỏi để thay đổi từng ngày một cách văn minh hơn. Sơ rất hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới.
Một số hoạt động của Sùng Thị Sơ tại các tổ chức quốc tế
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Sputnik: Sơ có thể chia sẻ một vài trải nghiệm của mình khi là đại diện Việt Nam tham gia các Hội nghị quốc tế về giới và trẻ em?
Mình rất hạnh phúc vì có cơ hội được đi đến những đất nước mà trước đây chỉ là ước mơ, là khao khát được tới khi trở thành đại diện của Việt Nam tại các Hội nghị quốc tế về giới và trẻ em.
Tại đây, Sơ không chỉ được học thêm rất nhiều kiến thức mới, kỹ năng và kinh nghiệm điều phối cũng như cách làm việc với trẻ em và thanh niên, mà Sơ còn được nghe rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng từ những công việc mà Sơ đã, đang và sẽ làm. Các bạn đã kể về việc các bạn đã thay đổi như thế nào sau khi được tiếp cận đến quyền và giới.
Đây thật sự là một động lực giúp mình muốn nỗ lực hơn. Sơ biết rằng những gì mà mình đã và đang làm thật sự đang được đón nhận, được chiêm nghiệm, được thực hành và thật sự có ích đối với các bạn đấy.
Một số hoạt động của Sùng Thị Sơ tại các tổ chức quốc tế
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Có một câu mình rất ấn tượng khi tham gia Hội thảo về phòng chống Tảo hôn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Nepal: “Nếu khi nào bản thân muốn từ bỏ thì hãy nghĩ đến những trẻ em đang thay đổi từng ngày”.
Khi có cơ hội chia sẻ thêm câu chuyện của mình, Sơ cũng được biết rằng không chỉ có cộng đồng người Mông tại Việt Nam mà ở các cộng đồng ít người khác tại một số quốc gia trong khu vực cũng có tập tục “kéo vợ” như thế này. Và quả thực, Sơ nghĩ rằng đã tới lúc cần thiết chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ cho câu hỏi “Điều đó có còn phù hợp với thời đại này, nên giữ và không nên giữ lại điều gì để vừa đảm bảo tính hòa nhập nhưng không hòa tan, đảm bảo tính bản sắc, những giá trị của cộng đồng mà không xâm phạm đến những quyền, chủ thể được pháp luật bảo vệ”.
Sputnik: Được biết, Sơ chuẩn bị tốt nghiệp ĐH Luật. Bạn có thể chia sẻ về công việc hiện tại và một số dự định trong tương lai không?
Sùng Thị Sơ:
Trong thời gian tới, mình dự định sẽ theo học khóa Luật sư tại Học viện Tư pháp khi đã gom đủ học phí và sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội công việc liên quan để học hỏi cũng như nắm chắc kiến thức hơn.
Và chắc chắn Sơvẫn sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động hướng tới cộng đồng, đặc biệt là về giáo dục, giới và nhân quyền, chú trọng về tảo hôn tại các vùng sâu, xa.
Một số hoạt động của Sùng Thị Sơ tại các tổ chức quốc tế
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Mình hiện là Trưởng Ban Nhân sự, Ban Tham vấn Thanh niên khóa 2 từ năm 2022 – mô hình được xây dựng và vận hành bởi Plan International Việt Nam. Trong 2 năm hoạt động, Sơ đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình khi xây dựng môi trường làm việc tích cực cho các thành viên, đảm bảo các hoạt động của Ban Tham vấn diễn ra suôn sẻ.
Bên cạnh những hoạt động cấp quốc gia, mình tham gia tích cực trong các chương trình quốc tế khi trở thành 1 trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Nepal).
Một số hoạt động của Sùng Thị Sơ tại các tổ chức quốc tế
© Ảnh : Sùng Thị Sơ
Hiện tại, Sơ cũng là là đại sứ truyền thông cho Thử thách “Tuổi trẻ Đáng giá” giúp nâng cao nhận thức cộng đồng đẩy lùi nạn tảo hôn/kết hôn sớm. Với câu chuyện của mình, Sơ đã lên tiếng để tiếp thêm động lực cho các em gái vùng sâu vùng xa: được đi học, được tôn trọng và tự do lựa chọn trong hôn nhân.
Bên cạnh đó, mình cũng là một trong 15 tham luận viên quỹ Spark tại Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu. Ở đây, thanh niên được trao quyền, được tự sức sáng tạo, thiết kế những chương trình, hoạt động dự án phù hợp tới các bạn thanh niên trong nước. Và đây chắc chắn sẽ là cơ hội để em có thể lan tỏa đi những cơ hội học tập và làm việc đặc biệt là với các bạn vùng sâu, vùng xa.
Mình hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều tín hiệu tích cực hơn từ cộng đồng./.
Sputnik: Cảm ơn Sơ vì những chia sẻ thú vị! Chúc Sơ tiếp tục gặt hái thành công trên con đường phía trước.