Bài phỏng vấn dưới đây của Sputnik với Đại tá Nguyễn Minh Tâm – nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an phần nào làm sáng tỏ bộ mặt thật của những tổ chức mang danh “dân chủ, nhân quyền”.
Cả thế giới công nhận
Sputnik: Thưa Đại tá, vừa qua Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2026 – 2028. Nhìn lại hành trình vừa qua của Việt Nam, ông đánh giá về những dấu ấn của Việt Nam sau hơn một năm đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việc Việt Nam tham gia vào hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người đã chứng minh cho thấy điều gì, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm – nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an.
Nói đúng hơn, năm 2023 vừa qua là năm thứ tư Việt Nam tham gia với từ cách thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC). Trước đó, Việt Nam đã từng là thành viên của UNHRC trong nhiệm kỳ 3 năm từ 2014 - 2016. Trong cả hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025, Việt Nam đều trúng cử với tỷ lệ phiếu ủng hộ rất cao. Việt Nam cũng đã và đang tham gia vào nhiều tổ chức quan trọng khác của LHQ như Hội đồng Bảo an với tư cách thành viên không thường trực (2008-2009 và 2020-2021); là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (2016-2018). Việt Nam còn là thành viên của nhiều chương trình, tổ chức quan trọng khác của LHQ như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEF), Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (UN Peacekeeping), v.v… Ở bất cứ tổ chức nào của LHQ, Việt Nam đều thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp có hiệu quả cho hoạt động của các tổ chức đó.
Riêng đối với Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong năm đầu tiên của lần thứ hai tham gia Hội đồng này, Việt Nam đã có một sáng kiến quan trọng. Đó là soạn thảo và đề xuất Nghị quyết của Hội đồng về kỷ niệm lần thứ 75 ngày ra đời Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR 1948-2023) & 30 năm Tuyên bố Viên và Chương trình hành động về quyền con người (VDPA 1993-2023).
Nội dung nghị quyết đã truyền tải nhiều thông điệp lớn và tích cực. Trong đó, có về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hoà hợp, qua đố giúp thúc đẩy đồng thuận, hoà hợp, hàn gắn và không khí hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền, trong bối cảnh nhiều diễn đàn quốc tế thời gian qua bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí chính trị hoá. Nghị quyết cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền LHQ triển khai Chương trình hoạt động kỷ niệm Tuyên ngôn 1948 về nhân quyền và Tuyên bố Viên 1993, trong đó có Sự kiện cấp cao của Liên Hợp Quốc về quyền con người vào tháng 12-2023. Đồng thời, có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên Khóa họp 56 Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm 2024.
Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Sự kiện UNHRC thông qua Nghị quyết này với sự bảo trợ đồng thuận tuyệt đối của 98 nước thành viên đã ghi nhận sự đóng góp có hiệu quả của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đây cũng là đóng góp rất thiết thực và có tính trách nhiệm cao của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ trên tinh thần: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”. Đồng thời, đó cũng là sự đáp trả mạnh mẽ và đích đáng đối với những luận điệu xuyên tạc về vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
Bộ mặt thật
Sputnik: Thực tế vẫn có nhiều thế lực thù địch cố tình hiểu sai, xuyên tạc về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Trong bản báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2023, Tổ chức theo dõi Nhân quyền đưa ra nhận định rằng, tình hình nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục tồi tệ. Theo ông, báo cáo này có giá trị pháp lý hay không? Ông có bình luận như thế nào về nhận định này?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm – nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an.
Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) là một tổ chức phi chính phủ. Nguồn tài chính công khai là đóng góp từ các nhà tài trợ như tỷ phú George Soros và nhiều nhà tài trợ khác từ Bắc Mỹ (75%), Tây Âu (24%) và các nơi khác (1%).
Người Việt Nam có câu “Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau”. Đối chiếu với câu tục ngữ này, có thể nhận ra ngay rằng những “mực thước”, những “tiêu chí” của HRW về nhân quyền chính là những “mực thước”, “tiêu chí” của các nhà tài trợ, các nhà tư sản Bắc Mỹ và Tây Âu chứ không hề phản ánh những tiêu chí chung của toàn nhân loại về nhân quyền, thông qua hai văn kiện hàng đầu của toàn nhân loại về nhân quyền mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa kỷ niệm 75 năm và 30 năm ngày ban hành. Do đó, các “mực thước” này, các “tiêu chí” này phản ánh góc nhìn thiên kiến, sai lệch, thậm chí là ác ý nhân danh nhân quyền. Bởi vậy, các báo cáo của HRW không có giá trị thực tế nào về nhân quyền, cho dù có “núp bóng” hai văn kiện nói trên.
Điểm thứ hai, vì HRW là một tổ chức phi chính phủ nên các báo cáo của tổ chức này chỉ mang tính chất tham khảo. Thế nhưng, bộ máy truyền thông của Mỹ và phương Tây cũng như một số thế lực khủng bố, thù địch chống Việt Nam như “Việt Tân”, “Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng hòa”, “Tin lành Tây nguyên”, “Triều đại Việt” cùng một số cơ quan truyền thông như VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt… lại bơm thổi như một văn kiện chính thức của một tổ chức được toàn thế giới thừa nhận, ngang hàng với các tổ chức chính thức của Liên Hợp Quốc. Chính sự lừa bịp này đã làm cho không ít người ngộ nhận và có cái nhìn hết sức sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Người Việt Nam còn có câu “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Cũng như nhiều tổ chức phản động, thù địch với Việt Nam chủ yếu tập trung ở Mỹ, HRW đã “ăn cơm chúa” nên năm nào cũng phải có một số sản phẩm được “thải ra” từ cái sự “ăn” ấy. Đó là các báo cáo về nhân quyền ở nước này, nước kia mà hầu hết trong số đó là những quốc gia, những chế độ chính trị-xã hội mà người Mỹ “không ưa”. Chính vì vậy, các báo cáo sặc mùi chính trị hóa này đã trở thành sự can thiệp thô bạo, vô lối vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia nhân danh nhân quyền, đặt nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia với những lập luận hết sức phi lý, núp dưới những giọng văn sướt mướt của kẻ ăn xin.
Phụ họa với HRW không ai khác chính là Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi năm, Bộ này đều cho ra đời các báo cáo về tình hình tự do tôn giáo, tự do báo chí xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam, vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất có mức độ trước các luận điệu vu cáo và sai trái đó. Nhưng xem ra, người Mỹ vẫn “chứng nào tật nấy”. Gần đây nhất, khi chữ ký của Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận vào tuyên bố chung Việt-Mỹ về việc nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển; Bộ Ngoại giao nước này vẫn theo thông lệ cũ, đẻ ra một báo cáo vu khống Việt Nam về tự do tôn giáo. Có lẽ Bộ Ngoại giao Mỹ đã trở thành một thứ “Nhà Trắng trong Nhà Trắng”. Nói cách khác, họ coi chữ ký của Tổng thống Mỹ không có giá trị gì.
Ngoài ra, còn có cái gọi là “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR)”. Đây là một trong những tổ chức phản động người Việt lưu vong tại California, Mỹ. VNHR đã dùng những thủ đoạn dối trá, lừa lọc để dựng lên việc hiện có gần 300 “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ. Dĩ nhiên là chẳng mấy ai tin vào tiếng “kêu la” của “đứa con ghẻ” của CIA này. Thế nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa những thông tin dối trá kiểu “ăn đứng dựng ngược” của VNHR để minh họa cho các báo cáo của họ về tự do tôn giáo, tự do báo chí ở Việt Nam.
Minh chứng rõ ràng
Sputnik: Vậy theo Đại tá, Việt Nam cần làm gì trước các luận điệu sai trái và xuyên tạc thường xuyên này?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm – nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an.
Phía Việt Nam đã nhiều lần vạch rõ, những thông tin mà HRW cóp nhặt đều đến từ các phần tử tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam, xâm phạm lợi ích của các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam. Không một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Mỹ cho phép những phần tử đó tự do tồn tại trong xã hội của họ, phá hoại an ninh đất nước họ. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ấy thế nhưng HRW vẫn “muối mặt” dự vào những thông tin của những kẻ tội phạm ấy. Trong đó, có cả các phần tử phạm tội khủng bố để báo cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Như vậy, có thể thấy rõ HRW không phải là một tổ chức theo dõi nhân quyền như cái tên của nó mà đã trở thành một tổ chức tài trợ cho khủng bố, cổ xúy cho các hành động khủng bố. Với việc bênh vực cho các tên tội phạm như Lê Đình Kình, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thúy Hạnh, Rlan Thinh, Lê Dũng, Lê Đình Lượng, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình và những kẻ khủng bố vừa gây tội ác ở Đắc Lắc, Tây Nguyên tháng 8-2023 vừa qua.v.v…, HRW đã lộ nguyên hình là họ đứng về phe tội ác và tội phạm, Cái “mặt nạ nhân quyền” của HRW đã “rách bươm”.
Việt Nam đã, đang và sẽ giải quyết tốt các vấn đề nhân quyền trong nước. Gần 40 năm qua kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc bảo đảm nhân quyền góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Trước hết, pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người. Trong đó, tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam luôn đặt quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân lên hàng đầu. Vấn đề này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Công dân Việt Nam được đảm bảo về nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo… Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân nếu phù hợp tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, nếu những tổ chức và cá nhân có mục đích xấu, động cơ không trong sáng, viện cớ về quyền tự do dân chủ, nhân quyền nhưng lại chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, đều phải chịu các chế tài xử phạt tương xứng.
Với cách tiếp cận “lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”, lấy xây dựng con người làm mục đích trên hết và trước hết, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua để thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền. Trong điều kiện nền kinh tế tuy có bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn chế nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn cố gắng bảo đảm cơ sở vật chất các ngành giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao, y tế... nâng cao mức độ thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của người dân, nhất là khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Chính phủ Việt Nam nhất quán thực hiện phương châm chiến lược là “không ai bị bỏ lại phía sau”. Và để đạt được điều đó cần sự chung sức, đồng hành, quyết tâm, đóng góp hết sức mình của toàn hệ thống chính trị cũng như toàn thể xã hội Việt Nam.
Như Thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất”.
Trong gần 40 năm đổi mới (1986-2022), GDP/người của Việt Nam đã tăng từ mức 250 USD/năm lên 4.110 USD/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2021 đứng thứ 115/191 quốc gia trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng HDI nhanh nhất thế giới giai đoạn 1990 - 2021. Các vấn đề an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng được quốc tế ghi nhận.
Vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% (năm 1993) xuống dưới 3% (năm 2020) theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên Hợp Quốc xếp là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ở một số thời điểm khó khăn như trong Đại dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế đất nước để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an toàn, ổn định xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.
Việt Nam cũng coi trọng “mặt trận truyền thông” về vấn đề nhân quyền. Việc tăng cường truyền thông chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt… của các đối tượng phản động, thù địch là một trong các biện pháp quan trọng để chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động thù địch, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức trong cán bộ và nhân dân nhằm loại bỏ nguy cơ tự chuyển hóa trong xã hội. Để không bị kẻ xấu dẫn dắt, tin nghe theo những luận điệu sai sự thật, mỗi người dân việt Nam đã dần nâng cao nhận thức, tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống xuyên tạc việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Các tổ chức và cá nhân trong điều kiện và khả năng thực tế đã tích cực tham gia đóng góp công sức vào quá trình phát triển của đất nước; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Song song với các chiến dịch truyền thông rộng rãi phản bác những luận điệu sai trái, vu cáo, bịa đặt về nhân quyền của ác thế lực phản động, thù địch, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tự nguyện thực hiện 3 lần công bố Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và tích cực thực hiện hầu hết các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền sau các kỳ báo cáo; đồng thời, đang tích cực chuẩn bị để hoàn thành đúng hạn nghĩa vụ báo cáo quốc gia chu kỳ IV theo cơ chế này. Những thông tin chính thức do Chính phủ Việt Nam công bố đã đã đẩy lùi những thông tin bịa đặt, dối trá của các thế lực phản động, thù địch về nhân quyền ở Việt Nam, đánh tan những nghi ngờ, quan ngại không có căn cứ của dư luận.
Tất cả những nỗ lực đó của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền là minh chứng thuyết phục khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở trong nước, cũng như trên phạm vi thế giới là nhất quán và liên tục. Những nỗ lực đó góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và thúc đẩy bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu; đồng thời, là minh chứng bác bỏ mọi xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Sputnik: Xin cảm ơn Đại tá đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!