VKS cho rằng loại trừ bà Trương Mỹ Lan vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 19/3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo bước vào phần tranh luận. Đại diện viện kiểm sát đề nghị cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống một số bị cáo giúp sức cho bà Lan.
Sputnik
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo viện kiểm sát, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.
Về việc xác định thiệt hại: bị cáo Trương Mỹ Lan đã lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản giá trị thấp để rút tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn ra khỏi SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, hậu quả của hành vi phạm tội được xác định trên cơ sở dư nợ của các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay đã được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá và được Ngân hàng SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro. Từ đó hậu quả vụ án được xác định là hơn 498.000 tỉ đồng.
Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.
Người đẹp họ Trương bị bắt, lộ trùm đứng sau 50 công ty “ma” của Vạn Thịnh Phát
Hành vi trên của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỉ đồng, đã phạm vào tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh. Hành vi này của bị cáo Lan đã phạm vào tội tham ô tài sản.
Quá trình điều tra, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận việc gặp gỡ bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhưng không thừa nhận chỉ đạo Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền cho bị cáo Nhàn.
Tuy nhiên, bị cáo Văn đã khai nhận, theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, gặp và đưa hối lộ cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD. Từ đó, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng.
Tuy nhiên theo viện kiểm sát, bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.
Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Từ đó đại diện viện kiểm sát cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.
Ngoài bà Trương Mỹ Lan, hiện Viện Kiểm sát cũng đang luận tội 11 bị cáo khác về tội “Tham ô tài sản”, có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Đối với bị cáo Trương Huệ Vân, bị cáo thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, tạo lập 52 công ty ma, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 1.000 tỷ đồng.
Capital Place của bà Trương Mỹ Lan có đáng giá 1 tỷ USD?
Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo phạm tội 2 lần trở lên, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quá trình điều tra đã kết hợp với cơ quan tố tụng làm rõ bản chất của vụ án. Bị cáo thành khẩn khai báo, đã nộp khắc phục hậu quả 1 tỷ đồng, có nhiều đóng góp trong công tác thiện nguyện.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo tại SCB (trừ bị cáo Đinh Văn Thành) quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, tác động người thân khắc phục hậu quả.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị phải có hình phạt nghiêm khắc là cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội đối với các bị cáo: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đang bỏ trốn), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…
Ngoài ra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” cũng có khung phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Thảo luận