Vụ việc ông Thưởng – kết quả quy trình quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Những ai đã từng tiếp cận và đọc kỹ Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 “về những điều Đảng viên không được làm” đều hiểu rằng những đảng viên nào vi phạm vào những điều cấm đó là rất nghiêm trọng và để lại nhiều hậu quả cũng rất nghiêm trọng…
Sputnik
Trong một nhiệm kỳ của Đại hội ĐCS Việt Nam mà có tới 2 nhân sự Chủ tịch nước bị thay thế là điều đau xót nhưng lại là điều rất cần thiết.
Tại kỳ họp bất thường sáng 21/3, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Võ Văn Thưởng.
Trước đó, ngày 20/3, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã họp, xem xét và quyết định cho ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Về sự kiện nóng này nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an đã đưa ra một số bình luận trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Kết quả của việc thực hiện quy trình, rà soát quy hoạch cán bộ nguồn cấp chiến lược cho Đại hội Đảng lần thứ XIV

Sputnik: Kính chào nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm! Ông có bình luận gì về cái tin rất bất ngờ mà Việt Nam vừa chính thức thông báo hôm qua 20/3 và hôm nay 21/3 về việc cho Chủ tịch nước Việt Nam thôi giữ các chức vụ?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an:
Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong phiên họp bất thường chiều ngày 20/3/2024 đã thống nhất chấp nhận đơn xin từ chức của ông Võ Văn Thưởng, cho ông này thôi các vị trí công tác trong Đảng không phải là chuyện bất thường. Đây là điều hoàn toàn bình thường khi trong công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” chứ không thể “nhất thành bất biến”.
Đây cũng là kết quả của quá trình rà soát quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV sẽ được triệu tập vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Theo pháp luật Việt Nam thì đại biểu Quốc hội được hưởng nhiều quyền ưu đãi miễn trừ, trong đó có quyền được miễn điều tra hình sự, trừ khi phạm tội quả tang.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Điều lệ Đảng, trong đó có quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của người Đảng viên và quy định những điều Đảng viên không được làm nên Ủy ban Kiểm tra trung ương hoàn toàn có quyền kiểm tra, rà soát đội ngũ Đảng viên bất kỳ ở cấp nào theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, có thể thấy việc Trung ương xem xét và cho thôi các chức vụ trong Đảng cũng như kiến nghị Quốc hội xem xét bãi nhiệm các chức vụ do Quốc hội bầu ra theo thẩm quyền đối với ông Võ Văn Thưởng là kết quả của việc thực hiện quy trình, rà soát quy hoạch cán bộ nguồn cấp chiến lược cho Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Riêng cá nhân tôi thì luôn tâm niệm nhận định sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng, một con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chính vì vậy mà tôi cũng không bất ngờ về việc ông Võ Văn Thưởng và trước đó là nhiều cán bộ cao cấp của Việt Nam phải từ chức khi còn đương nhiệm như các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.v.v…
Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước lần thứ 2

Những vi phạm chắc chắn là nghiêm trọng

Sputnik: Ông có thể cho biết, dựa trên cơ sở nào để Trung ương, rồi Quốc hội thông qua việc cho ông Thưởng thôi chức?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an:
Như đã nhận xét ở trên, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành đã trao quyền cho Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng công việc rất nặng nề và khó khăn. Đó là giữ cho Đảng được trong sạch, giữ vững bản lĩnh chính trị của một Đảng Cộng sản. Làm cho Đảng trong sạch, giữ cho Đảng viên dù ở bất kỳ cấp nào phải giữ được lòng dạ trong sáng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không làm những việc sai trái với quy định những điều Đảng viên không được làm chính là giữ vững bản lĩnh chính trị của một Đảng cầm quyền, là nâng cao sức chiến đấu của Đảng để Đảng làm tốt hơn vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Thông cáo của phiên họp bất thường Ban Chấp hành Trung ương chiều 20/3/2024 đã nêu rõ: “Vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước… Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.

Sputnik: Trong thông cáo trên không hề nêu những vi phạm cụ thể của ông Võ Văn Thưởng…
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an:
Đúng, tuy thông cáo không nêu những tình tiết cụ thể về vi phạm của ông Võ Văn Thưởng nhưng tất cả những ai đã từng tiếp cận và đọc kỹ Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 “về những điều Đảng viên không được làm” (đã công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng) đều hiểu rằng những đảng viên nào vi phạm vào những điều cấm đó là rất nghiêm trọng và để lại nhiều hậu quả cũng rất nghiêm trọng tới mức không còn đủ uy tín để tiếp tục làm việc hoặc nặng hơn thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm đối với bất kỳ ai.
Ông Võ Văn Thưởng tự nguyện thôi chức, Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức Chủ tịch nước

Hai khả năng về nguyên nhân có thể xảy ra đối với trường hợp sai phạm của ông Võ Văn Thưởng

Sputnik: Tại sao Ban kiểm tra Trung ương không phát hiện ra những sai phạm đó trước khi đưa ông Võ Văn Thưởng lên làm Chủ tịch nước? Ông có bình luận gì về điều này?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an:
Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tuy giữ vai trò độc lập trong hoạt động của mình nhưng không hề biệt lập. Theo quy định của Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương và và Ủy ban kiểm tra các cấp có quyền yêu cầu sự trợ giúp của các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra hoặc tiếp nhận kết quả điều tra, thanh tra để xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.
Do đó, có một số khả năng về nguyên nhân có thể xảy ra đối với trường hợp sai phạm của ông Võ Văn Thưởng.
Khả năng thứ nhất là các sai phạm này diễn ra ở không gian khác trong thời gian trước đó nhưng chưa được làm rõ. Chỉ đến khi có một vụ việc nghiêm trọng nào đó xảy ra và được khởi tố điều tra thì khi đó, mới phát hiện ra sự liên quan của ông Võ Văn Thưởng. Điều này đã từng xảy ra đối với một số cán bộ cao cấp của Việt Nam trong quá khứ như trường hợp các ông Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Hà Phan.v.v…
Khả năng thứ hai là những sai phạm này diễn ra sau khi ông Võ Văn Thưởng đã được bầu làm Chủ tịch nước. Do đó, cơ quan chức năng chắc chắn là không thể biết trước những điều này.
Đối với trường hợp thay thế giữa nhiệm kỳ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước cũng là điều hoàn toàn chưa có tiền lệ trong gần 80 năm tồn tại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong việc lựa chọn cán bộ. Tuy nhiên, vì trước đây hơn một năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã biểu quyết lựa chọn ông Võ Văn Thưởng để giới thiệu ứng cử chức vụ Chủ tịch nước thì bây giờ Ban Chấp hành Trung ương cũng có quyền đề nghị Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng là điều hợp tình, hợp lý. Và Ban Chấp hành Trung ương cũng phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu này.
Hơn nữa, việc xử lý một đảng viên, một cán bộ bình thường đã phải rất thận trọng vì việc xử lý chắc chắn ảnh hưởng tới “sinh mạng chính trị” của cán bộ đó, của đảng viên đó. Đối với cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là nguyên thủ quốc gia thì càng phải thận trọng hơn nữa để không oan sai, không sót lọt. Vì thế mà quá trình điều tra, làm rõ có thể kéo dài nhiều năm mới đem lại kết luận chính xác.

Điều đau xót nhưng lại là điều rất cần thiết

Sputnik: Phản ứng đầu tiên của một số chuyên gia, các nhà bình luận Việt Nam cũng như Nga là sự kiện này làm ảnh hưởng tới không tốt cho lắm tới hình ảnh của đất nước Việt Nam. Ông có cho là như vậy không?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an:
Về vấn đề này thì có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Riêng ý kiến của tôi thì cho rằng, trong một nhiệm kỳ của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam mà có tới 2 nhân sự Chủ tịch nước bị thay thế là điều đau xót nhưng lại là điều rất cần thiết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã thẳng thắn chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trên thực tế, không có một tổ chức nào, một con người nào tránh khỏi những vấp váp, những sai lầm. Nhưng điều cần thiết hơn cả là nhìn thẳng vào sự thật, là nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điểm ấy để sửa chữa, để hạn chế những nguyên nhân dẫn đến sai lầm, hạn chế tác hại của điều kiện khách quan có thể làm phát sinh sai lầm là điều đặc biệt quan trọng và cần thiết.
Hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện…
Tuy nhiên, trong Đảng vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật; trong đó có trên dưới 100 cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý.
Việt Nam triệu tập kỳ họp bất thường, ai sẽ làm Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng?
Vì vậy, tại sự kiện mới diễn ra trước đây khoảng một tuần; trong phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban này đã tuyên bố rất quyết liệt và rất thẳng thắn rằng: “Nhưng con người cũng có đủ thứ chứng tật không lành mạnh, nói ra rất tế nhị, nhạy cảm (nhận xét, đánh giá nhau thế nào? nhất là nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau; bố trí, sắp xếp vào đâu? liên quan đến danh dự, chế độ, chính sách hưởng thụ, chức vụ cao, thấp, lợi ích, bổng lộc... so sánh với người khác thế nào?... vô cùng phức tạp, nhạy cảm, rất dễ phát sinh vấn đề, tâm tư day dứt), gây mất đoàn kết…
Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.”.
Và các sự kiện diễn ra trong hai ngày 20 và 21/3/2024 chính là những minh chứng cho tuyên bố của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện ấy chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói là làm, đã làm là làm kiên quyết và có hiệu quả, kể cả việc xử lý những cán bộ cao cấp của Đảng khi người đó “đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”.
Sputnik: Cảm ơn ông vì những bình luận và thông tin quan trọng và hữu ích.
Thảo luận