Kiselev đã đưa ra bình luận quan trọng trên đây trong chương trình của mình liên quan đến cuộc tranh luận nảy sinh trong những ngày gần đây về án tử hình sau khi xảy ra vụ khủng bố ở Crocus. Trước đó trong chương trình ông nói rằng khao khát trả thù không được làm lu mờ tâm trí và không thể xử bắn những kẻ bị buộc tội tấn công khủng bố vì luật pháp không có hiệu lực hồi tố.
"Án tử hình là một công cụ khắc nghiệt. Thật tốt khi chúng ta hiện có Putin là nhà lãnh đạo nước Nga. Đối với ông, mạng sống của mỗi người dân chúng ta là vô giá. Đối với Putin, kinh nghiệm lịch sử của đất nước chúng ta, quá khứ nghề nghiệp của ông trong KGB là một loại vắc xin mạnh mẽ chống lại sự tàn ác. Nhưng sau Putin sẽ là một người khác. Và ai biết được người đó sẽ thay đổi, ta cứ tạm nói, thay dổi bầu không khí nhân đạo trong nước đến mức nào. Việc cá nhân người lãnh đạo cấp cao nhất ở nước chúng ta luôn tô điểm cho mình bằng luật pháp cũng là một sự thật", - Kiselev nói.
Theo ông, hiện nay ở nước Nga đã hình thành một chế độ hiến pháp và pháp luật mà việc khôi phục lại hình phạt tử hình trên thực tế là không thể - không thể thông qua bằng sắc lệnh của Tổng thống, bằng trưng cầu dân ý, hay bằng quyết định của Quốc hội hoặc Tòa án Hiến pháp.
"Nhưng, tất nhiên, nếu thực sự muốn thì vẫn có thể phá vỡ mọi thứ. Và con cháu chúng ta sẽ được thừa kế một hệ thống như thế nào? Đây cũng là một câu hỏi khó. Tiếp theo sẽ là ai và điều gì sẽ đến?" - nhà báo nói.
Tong tuần vừa qua Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng Điện Kremlin không tham gia vào cuộc tranh luận về việc khôi phục án tử hình; về vấn đề này ông Kiselyov lưu ý rằng Tổng thống Putin không nêu ra quan điểm của mình.
"Nhưng điều này không có nghĩa là quan điểm đó không tồn tại - nó tồn tại, nó đã được bày tỏ và khẳng định nhiều lần. Hãy yên tâm rằng đến bây giờ quan điểm đó vẫn không thay đổi", - nhà báo nói.
Ông nhắc lại rằng trong một cuộc trao đổi trực tiếp vào năm 2013, ngay sau vụ sát hại dã man sáu người ở Belgorod, Tổng thống Putin đã nói về án tử hình. Ông nhấn mạnh rằng “các chuyên gia cho rằng bản thân việc tăng cường mức độ hà khắc của các biện pháp trừng phạt không dẫn đến việc xóa bỏ hay giảm bớt được tỷ lệ tội phạm”. Sau đó Tổng thống dẫn ví dụ rằng ở Đế chế La Mã tội phạm móc túi phải chịu mức án tử hình, nhưng hầu hết những vụ ăn cắp đó đều xảy ra trong thời gian tử hình tội phạm, bởi vì lúc đó hầu hết dân chúng đều tập trung ở các quảng trường để xem hành quyết.
"Tôi hiểu sự phẫn nộ của người dân và mong muốn trừng phạt tội phạm – vấn đề đặt ra là tất yếu... Chúng ta hiện đã có hình phạt như tù chung thân. Tôi đảm bảo với mọi người rằng điều kiện ở nơi đó còn lâu mới sánh được những đãi ngộ của khu điều dưỡng", - Tổng thống Putin hôm đó nói.
Theo ông Kiselev, cuộc điều tra hiện phải làm rõ tất cả các mắt xích trong vụ khủng bố ở Crocus và tìm ra những mắt xích “còn chưa phát lộ”.
"Và tòa án chắc chắn sẽ phải trừng phạt bọn sát nhân và tất cả những kẻ liên quan - ở mức tối đa của luật pháp Nga. Có vẻ như không hề nhẹ", - ông Kiselev kết luận.