Các hệ thống vũ trụ cho mục đích quân sự
Chùm vệ tinh Starlink của SpaceX bắt đầu được xây dựng từ cuối những năm 2010. Tính đến cuối năm 2023, hơn 5.000 vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo thấp của Trái đất, và gần 12.000 vệ tinh đã được lên kế hoạch triển khai. Vào năm 2020, SpaceX bắt đầu cung cấp dịch vụ Starlink ở miền Bắc Hoa Kỳ và Canada và sau đó ở các quốc gia khác. Các mục tiêu đã nêu của dự án hoàn toàn mang tính hòa bình: cung cấp dịch vụ Internet băng rộng đến bất kỳ đâu trên thế giới, ngay cả vùng xa xôi, hẻo lánh, những khu vực khó tiếp cận được với mạng Internet hoặc mạng di động thông thường.
Tuy nhiên, xung đột ở Ukraina cho thấy rằng, đây là công nghệ lưỡng dụng hiệu quả. Nhờ thiết bị đầu cuối Starlink, lực lượng vũ trang Ukraina đã triển khai hệ thống điều khiển tự động bao gồm hai ứng dụng: “Virage-Tablet” - để theo dõi các mục tiêu trên không và “Krapiva” dành cho hệ điều hành Android để truyền nhanh thông tin về sự chuyển động của lực lượng mặt đất.
25 Tháng Mười Hai 2023, 10:34
Tuy nhiên, sau đó họ đã phát hiện những nhược điểm đáng kể. Vào tháng 2, binh lính Ukraina bắt đầu phàn nàn về tốc độ “Internet không gian” quá chậm. Và thiết bị đầu cuối Starlink... lọt vào tay lực lượng Nga. Ngoài ra, ông Elon Musk, giám đốc điều hành SpaceX, bắt đầu liên tục chỉ trích những lời lẽ hiếu chiến của Kiev và phương Tây, kêu gọi sớm đạt được hòa bình. Vào tháng 9 năm 2023, ông đã ngắt kết nối vệ tinh Starlink gần bán đảo Crưm nhằm ngăn chặn quân đội Ukraina tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga.
“Tôi là thế nào trong cuộc xung đột này? Starlink không phải để sử dụng trong các cuộc chiến. Nó là để mọi người có thể xem Netflix, thư giãn, học tập, làm những điều tốt đẹp trong hòa bình. Tôi không có ý định tạo ra thứ gì đó có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân”, - tỷ phú Elon Musk tâm sự với ông Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử mới về Elon Musk.
Tất nhiên, Lầu Năm Góc không hài lòng với hoạt động từ thiện như vậy. Họ quyết định đặt mua phiên bản Starlink của riêng mình - một phiên bản quân sự nằm dưới sự kiểm soát của họ.
Chùm vệ tinh mới sẽ như thế nào?
Theo Hãng tin Reuters, mạng lưới vệ tinh mới đang được đơn vị kinh doanh Starshield của SpaceX xây dựng theo hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD. Hợp đồng được ký với Văn phòng Trinh sát quốc gia Mỹ (NRO), một cơ quan tình báo quản lý các vệ tinh do thám. Các nguồn tin nói rằng, chương trình trên sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chính phủ và quân đội Mỹ trong việc nhanh chóng phát hiện các mục tiêu tiềm năng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Trang web của SpaceX nêu rõ: các vệ tinh Starshield sẽ có thể hoạt động thông qua các thiết bị đầu cuối Starlink. Nhưng phiên bản quân sự sẽ có "...khả năng mã hóa an toàn cao để lưu trữ các tải trọng được phân loại và xử lý dữ liệu an toàn, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt nhất của chính phủ".
Mục tiêu chính của chương trình là liên tục giám sát các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động trên mặt đất vẫn được Nga và Trung Quốc sử dụng rộng rãi. Theo Defense One, những nguyên mẫu của vệ tinh mới đã được phóng lên quỹ đạo.
“Mục tiêu chính đáng” đối với Matxcơva và Bắc Kinh
Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng, cả hai đối thủ tiềm năng của Mỹ đều đang chuẩn bị phá hủy mạng lưới vệ tinh gián điệp mới. Họ cáo buộc Nga đang phát triển vũ khí diệt vệ tinh, cả hạt nhân hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Còn Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ, Tướng Stephen Whiting mô tả Trung Quốc là một mối đe dọa gia tăng ở mặt trận không gian.
“Họ đã nghiên cứu chúng ta và sự phụ thuộc của chúng ta vào không gian. Họ đã tìm hiểu kiến trúc của hệ thống không gian của chúng ta và hiện đang nhanh chóng xây dựng các hệ thống có thể khiến kiến trúc đó gặp rủi ro”.
Thông tin về hợp đồng NRO-Starshield đã thu hút sự chú ý của truyền thông Trung Quốc. Ông Wang Yanan, Tổng biên tập Tạp chí Kiến thức Hàng không vũ trụ cho biết, dự án này là "thách thức đối với an ninh và ổn định toàn cầu".
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng, việc sử dụng các hệ thống không gian, bao gồm cả hệ thống dân sự, để gây sức ép lên các đối thủ địa chính trị khiến các vệ tinh trở thành “mục tiêu chính đáng, và Nga có thể áp dụng các biện pháp trả đũa, bao gồm cả biện pháp quân sự”.
Một điều rõ ràng: Matxcơva và Bắc Kinh nhận thức về mức độ nguy hiểm của mối đe dọa mới. Họ sẽ tìm cách đáp trả mối đe dóa từ chùm vệ tinh Starshield.