Vì sao cựu tướng Đỗ Hữu Ca được xin giảm án?

Cựu tướng Đỗ Hữu Ca, từng một thời oai phong bệ vệ lãnh đạo Công an TP. Hải Phòng, nay hầu toà với mái tóc đã bạc trắng sau thời gian bị tạm giam.
Sputnik
Chủ toạ cho hay, bị cáo Đỗ Hữu Ca được nhiều cơ quan, ban ngành ở TP. Hải Phòng gửi đơn đến tòa xin giảm nhẹ hình phạt. Thậm chí, có nhiều người dân đi ô tô đến tòa nộp đơn xin giảm án cho bị cáo Đỗ Hữu Ca. Vợ ông cũng đang bị bệnh nặng phải điều trị.

Ông Đỗ Hữu Ca được nhiều cơ quan xin giảm nhẹ hình phạt

Ngày 10/4, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng.
Sáng nay, ông Ca, đầu bạc trắng ra hầu toà cùng với 12 bị cáo khác trong vụ án mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế,...
Trong vụ án này, có 13 bị cáo bị đưa ra xét xử với 5 nhóm tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.
Trong đó, vợ chồng "ông trùm" mua bán hóa đơn trái phép là Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh cùng bị đưa ra xét xử với 2 tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Đưa hối lộ.
Riêng bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với cáo buộc đã nhận 35 tỷ đồng của Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh để “chạy án”.
Sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh giữ quyền công tố tại phiên toà đã công bố bản cáo trạng dài 35 trang. Phải đến 10h30 phút sáng cùng ngày, vị đại diện VKS mới đọc xong bản cáo trạng.
Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội được xin giảm án vì đóng góp cho ngành giáo dục
Trước khi bước sang phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cho biết, bị cáo Đỗ Hữu Ca được nhiều cơ quan, ban ngành ở TP. Hải Phòng có đơn gửi đến tòa xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Các ban ngành, đoàn thể mà chủ toạ cho biết có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Đỗ Hữu Ca bao gồm: Công an TP. Hải Phòng; Hội Luật gia TP. Hải Phòng; Hội Phật giáo TP. Hải Phòng; UBND xã Tam Hưng, Ủy ban MTTQ huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); Ủy ban MTTQ xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên; Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi xã Kênh Giang;...
Trong đơn của Hội Luật gia TP. Hải Phòng gửi đến tòa, hội này cho rằng ông Đỗ Hữu Ca từng có hơn 2 nhiệm kỳ làm phó chủ tịch hội. Ông có nhiều đóng góp cho hoạt động và công tác phát triển hội, được nhiều bằng khen của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, bằng khen của UBND TP. Hải Phòng.
"Toàn bộ thiệt hại do hành vi sai phạm của ông Ca gây ra đã được khắc phục. Hiện nay hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn, vợ ông bị bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện trong thời gian dài", nội dung đơn cho biết, và đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ để "ông Đỗ Hữu Ca sớm trở về đoàn tụ với gia đình".
Trong khi đó, Công an TP. Hải Phòng cho biết ông Đỗ Hữu Ca khi còn công tác đã đạt nhiều thành tích như triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, "được nhân dân yêu quý và tin tưởng".
Ngoài ra, Công an TP. Hải Phòng cũng liệt kê ông Đỗ Hữu Ca đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen của Thủ tướng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng… Từ đó, Công an TP. Hải Phòng đề nghị tòa "xem xét giảm trách nhiệm hình sự đối với ông Ca".
Đặc biệt, cũng theo chủ tọa phiên tòa, còn có rất nhiều người dân đi ô tô đến tòa để nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Giám đốc Công an Hải Phòng.
"Ngày 9/4, TAND tỉnh Quảng Ninh còn nhận được một công văn không đóng dấu mật nên được công bố tại tòa. Theo đó, nội dung công văn xin được giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đỗ Hữu Ca. Công văn này gửi tới TAND Tối cao, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hải Phòng", báo Dân trí dẫn nội dung công văn được chủ tọa công bố.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đọc cáo trạng tại phiên tòa.

Các bị cáo đồng thuận nội dung cáo trạng

Sau khi công bố các thông tin trên, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, với 4 bị cáo: Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) và Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn. Các bị cáo đều là lao động tự do.
Trương Xuân Đước là người đầu tiên bước lên bục khai báo. Bị cáo cho biết, do bản thân bị bắt tạm giam nên bị cáo có phần "xúc động" và 1 bên tai bị điếc. Tuy nhiên, HĐXX ngắt lời bị cáo và yêu cầu hỏi câu nào thì bị cáo cần trả lời đúng trọng tâm câu đó.
"Bị cáo có quan hệ thế nào với bị cáo Nhàn và Thành?", HĐXX hỏi.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đước nói Thành là người cùng quê, cùng xã và là cháu họ, còn bị cáo Nhàn trước đây từng làm kế toán cho công ty của vợ chồng Đước.
HĐXX truy vấn, nội dung bản cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của bị cáo trước mắt với tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có đúng không?
Đáp lời, bị cáo Đước thừa nhận nội dung cáo trạng hoàn toàn đúng và không có ý kiến gì khác với bản cáo trạng đã truy tố. Đước nói, quá trình khai báo tại cơ quan điều tra hoàn toàn khách quan, tự nguyện, không bị ép cung hoặc nhục hình.
Sau đó, Trương Xuân Đước đã trình bày tóm tắt toàn bộ quá trình phạm tội của mình với tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Nội dung trình bày của bị cáo hoàn toàn trùng khớp với nội dung bản cáo trạng.
Tiếp đến, 3 bị cáo khác cùng bị truy tố nhóm tội này là Đặng Khắc Thành, Nguyễn Thị Ngọc Anh và Hà Thị Bích Nhàn lên trình bày cũng đều đồng ý với bản cáo trạng đã truy tố tội danh của mình.
Kết thúc phần xét hỏi với tội danh Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi tội Trốn thuế với các bị cáo Đỗ Thị Đua, Hà Thị Trang, Vũ Ngọc Tú. Tương tự, cả 3 bị cáo đều nhận tội và đồng ý với nội dung bản cáo trạng đã truy tố.
Phiên tòa tạm dừng lúc 11h5, và tiếp tục từ 13h30 chiều nay.

Ông Đỗ Hữu Ca đã lừa tiền chạy án như thế nào?

Theo cáo trạng, vợ chồng bị can Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh ở Hải Phòng đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời bất chính.
Kết quả điều tra xác định, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã mua bán số lượng hoá đơn trái phép là hơn 15.600 hóa đơn, qua đó thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
40 sổ đỏ, cả đống tiền, vàng, ngoại tệ của cựu tướng Đỗ Hữu Ca ở đâu ra?
Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng) số tiền 362 triệu đồng, hòng được tạo điều kiện thành lập các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Vào tháng 10/2022, Trương Văn Nam (cháu Đước) bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Vụ việc được điều tra mở rộng.
Trương Xuân Đước đã bỏ trốn và bảo vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, lúc đó đã nghỉ hưu, ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) để nhờ vả. Tại đây, Nguyễn Thị Ngọc Anh được ông Ca yêu cầu chuẩn bị số tiền bằng 10% doanh thu bán ra hóa đơn trái phép (tương đương 20 tỷ đồng) và một số tiền “tiêu cực phí” để lo chạy tội.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10 - 12/2022, Ngọc Anh đã 4 lần gặp và đưa tổng cộng 35 tỷ đồng cho ông Đỗ Hữu Ca tại nhà riêng.
Ở lần gặp đưa tiền thứ tư, sau khi được biết Đước vẫn đang lẩn trốn, ông Ca đã nói chuyện qua điện thoại bảo Đước về gặp mình. Ngày hôm sau, vợ chồng Đước đến nhà ông Ca hỏi về kết quả chạy án nhưng ông Ca nói chưa nắm được thông tin từ phía Công an tỉnh Quảng Ninh, đồng thời bảo Đước về nhà ông Ca ở một thời gian để tiện trao đổi công việc, nhưng Đước từ chối.
Trong quá trình đưa tiền nhờ chạy tội, Đước cũng bảo con trai là Trương Minh Thành nhiều lần đến gặp ông Ca tại nhà riêng, nhưng tất cả các lần đến gặp, ông Ca đều nói là đang lo việc, nhắn vợ chồng Đước cứ bình tĩnh, yên tâm.
Ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Ngọc Anh sau đó đến nhà ông Ca để hỏi và xin lại số tiền 35 tỷ đồng đã đưa nhưng bị ông Ca đuổi về. Ngày 7/2/2023, Ngọc Anh bị bắt giữ.
Đến ngày 18/2/2023, ông Đỗ Hữu Ca bị cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Thảo luận