Thủ tướng nêu rõ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, mọi hoạt động của Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng đều phải quán triệt sâu sắc, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việt Nam giữ vững ổn định chính trị
Hôm nay ở Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 - 15/4/2024) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự. Theo Nghị định 32 năm 1973 của Hội đồng Chính phủ, ngày 6/1/1974, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 33 thành lập lực lượng Cảnh sát bảo vệ (nay là Cảnh sát cơ động) và tổ chức lễ ra mắt trọng thể vào ngày 15/4/1974.
Phát biểu hôm nay, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, lực lượng Cảnh sát cơ động là một bộ phận cấu thành quan trọng của Công an nhân dân Việt Nam. Đây là lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
“Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Những thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động”, TTXVN dẫn phát biểu của Thủ tướng nêu rõ.
Dập tắt biểu tình, bạo loạn, khủng bố
Báo cáo tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát Cơ động cho hay, lực lượng CSCĐ đã làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Luôn bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng diễn ra trong toàn quốc; kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, biểu tình, bạo loạn. CSCĐ cũng phối hợp đấu tranh triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về hình sự, ma tuý, kinh tế, buôn lậu; tham gia tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh ở các tuyến, địa bàn phức tạp.
Tướng Châu dẫn chứng, lực lượng CSCĐ đã tham gia giải quyết vụ biểu tình, bạo loạn chính trị tại Tây Nguyên năm 2001, 2004; tại Mường Nhé, Điện Biên năm 2011; tại Mường Tè, Lai Châu năm 2020; các vụ tập trung đông người, gây rối ANTT, chống người thi hành công vụ tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh vào năm 2014, 2016, 2017; tại Bình Thuận năm 2018; tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội năm 2020.
Tham gia đấu tranh triệt phá thành công chuyên án ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu - Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ - Sơn La; chuyên án Trương Văn Cam và đồng bọn tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, gần đây nhất đã kịp thời phối hợp với các đơn vị của Bộ và Công an địa phương kịp thời truy xét, bắt giữ toàn bộ nhóm đối tượng khủng bố, thu nhiều vũ khí, vật liệu nổ tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk góp phần ổn định tình hình, lập lại an ninh trật tự trên địa bàn, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Không chỉ vì nhân dân phục vụ, lực lượng CSCĐ còn không ngừng được tăng cường và mở rộng và là một trong những đơn vị nòng cốt của Bộ Công an tham gia lực lượng Cảnh sát gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.
Trung thành với Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hôm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2 tặng Bộ Tư lệnh CSCĐ. Ông biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công xuất sắc của các thế hệ CBCS lực lượng CSCĐ đã đạt được trong suốt 50 năm qua.
Thủ tướng chỉ rõ, đất nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ông lưu ý, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có Cảnh sát cơ động sẽ ngày càng nhiều hơn, nặng nề và phức tạp hơn.
Do đó, theo người đứng đầu Chính phủ, lực lượng Cảnh sát cơ động phải thực sự tinh nhuệ, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, vũ khí hiện đại; không ngừng đổi mới tư duy, hành động, kỹ chiến thuật.
“Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những chiến công, thành tích đã đạt được mà phải chủ động nhận diện các nguy cơ, thách thức và hạn chế, khuyết điểm”, Thủ tướng nêu rõ.
Ông đề nghị lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm.
“Trong đó, ở bất cứ hoàn cảnh nào, mọi hoạt động của Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng đều phải quán triệt sâu sắc, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an và sự giám sát của Nhân dân”, Thủ tướng nhắc.
Phải thật sự coi trọng công tác xây dựng Đảng, quyết tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
Cảnh sát Cơ động Việt Nam: Trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay trong sạch
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị, CSCĐ cần thường xuyên tổ chức diễn tập các phương án xử lý tình huống phức tạp; tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu; cải tiến lề lối, tác phong làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân; kịp thời ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
“Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động: “pháp luật sắc, nghiệp vụ tinh, công nghệ giỏi, ngoại ngữ tốt, hình ảnh đẹp”; toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và hậu cần, kỹ thuật”, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, chăm lo đầu tư để lực lượng Cảnh sát cơ động có đủ sức mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trước mắt và lâu dài với lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt các cán bộ chiến sĩ xin hứa với Đảng, Nhà nước sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Lực lượng CSCĐ nói riêng, CAND nói chung sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra, tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Qua 50 năm hình thành và phát triển với tinh thần "Còn Đảng, còn mình", Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, lực lượng CSCĐ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”.
Thủ tướng cũng nhắc về hình ảnh cao đẹp của người công an nhân dân bản lĩnh, dũng cảm, nhân văn, có "trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi chân vững chắc, có bàn tay sạch và biết trọng danh dự" vì "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!" như lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.