Hiện chưa rõ lực lượng nào sẽ được gửi đến Philippines trong khuôn khổ thỏa thuận tiềm năng này. Cũng chưa được biết binh chủng nào của quân đội Nhật Bản sẽ phân bổ một nhóm để triển khai ở Philippines. Hiện thời, chỉ có thể giả thiết rằng chuyện ở đây nói về nhóm hải quân, chẳng hạn như một hoặc hai khu trục hạm và một tàu ngầm. Nếu là chuyện về tàu thuyền, thì phía Philippines hẳn sẽ phải cung cấp cho họ hải cảng căn cứ.
Trực tiếp vi phạm Hiến pháp Nhật Bản
Xét theo những thông báo, thì việc tiến hành các cuộc đàm phán như vậy đã diễn ra từ lâu. Những tin tức nhắc đến chuyện này lần đầu là ngay từ năm 2015. Thận trọng là điều dễ hiểu, bởi đây là hành vi trực tiếp vi phạm Hiến pháp Nhật Bản.
Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản quy định rằng nhân dân Nhật Bản từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia, cũng như từ bỏ «việc đe dọa hoặc sử dụng lực lượng vũ trang như phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế».
Trong khi đó, báo chí nhấn mạnh quan hệ hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Philippines bao gồm cả thỏa thuận đang được hoạch định về việc triển khai quân hoặc tàu, trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc về các đảo ở Biển Đông. Nói cách khác, trong bối cảnh tranh chấp quốc tế.
Việc gửi binh lính, máy bay chiến đấu và tàu chiến thường được phân định là mối đe dọa sử dụng lực lượng vũ trang. Việc lực lượng này sử dụng vũ khí không chỉ là khả năng hoàn toàn có thể, mà còn sẽ xảy ra trong những điều kiện nhất định. Như vậy, Nhật Bản đang can thiệp vào tranh chấp Trung Quốc - Philippines, đe dọa sử dụng lực lượng vũ trang, trong trường hợp này là chống phía Trung Quốc
Hiến pháp bảo vệ Nhật Bản
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản bảo vệ đất nước ở một mức độ nhất định, vì cho phép nước này bất cứ lúc nào được rút lui tránh khỏi cuộc chiến giả định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Nhật Bản sẽ bị lôi kéo vào.
Nếu lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản nhanh chóng bị đánh bại, thì Chính phủ Nhật Bản có quyền tuyên bố buộc phải tham gia xung đột, sau đó gửi quân đến giải giáp và cô lập các đơn vị Mỹ còn lại để phòng thủ đất nước. Nếu người Mỹ là nguyên nhân của các đòn tấn công vào Nhật Bản thì việc giải giáp vũ khí của họ hoàn toàn là hành động tự vệ.
Nếu đội quân Mỹ ở Nhật Bản bị vô hiệu hóa thì Trung Quốc cũng như các đối thủ tiềm tàng khác như CHDCND Triều Tiên không còn lý do gì nữa để tiếp tục chiến đấu với Nhật Bản. Đây là lối thoát ra khỏi cuộc chiến. Logic này tất nhiên có vẻ hoài nghi song lại rất thực tế.
Nhưng nếu Nhật Bản huỷ bỏ Điều 9 của Hiến pháp, như một số nhân vật cấp tiến mong muốn, hoặc bắt đầu vi phạm đạo luật chính của đất nước một cách hệ thống, thì chiêu thức này sẽ không còn hiệu quả nữa. Các đối phương khi đó sẽ nghiễm nhiên cho rằng Nhật Bản đã biến Điều 9 thành lời tuyên bố vô căn cứ và vì thế họ sẽ tiến hành hoạt động chiến sự cho đến khi Nhật Bản thất bại hoàn toàn và bị chiếm đóng.
Hiển nhiên, Nhật Bản đi tới thoả thuận với Philippines phần nhiều là do Hoa Kỳ hối thúc. Dù sao chăng nữa, lợi ích của đất nước mình phải được đặt lên hàng đầu. Giả sử thất bại trong trận chiến với Trung Quốc, người Mỹ có thể tháo chạy và ẩn náu ở phía bên kia Thái Bình Dương. Còn người Nhật đâu có nơi nào để chạy.
Vô số ưu thế của Trung Quốc
Các mục tiêu thuần tuý quân sự của thỏa thuận dự kiến đang làm dấy lên những nghi ngờ lớn. Hải quân Trung Quốc có 350 tàu thuộc nhiều lớp khác nhau, từ tàu sân bay cho đến tàu tên lửa. Hạm đội Trung Quốc có cơ số vượt hơn Hải quân Hoa Kỳ với 293 tàu (tính đến năm 2021). Còn Hải quân Nhật Bản có 154 tàu.
Ngay cả khi toàn bộ hạm đội Nhật Bản tiến ra để bảo vệ Philippines, thì trong trường hợp này, cơ hội thành công của họ cũng rất mong manh. Bởi kém hơn 1,4 lần về khu trục hạm (36 của Nhật Bản so với 51 của Trung Quốc), kém gần gấp 5 lần về tàu khu trục cỡ nhỏ (10 tàu Nhật Bản so với 49 tàu Trung Quốc) và kém 3,5 lần về tàu ngầm (22 của Nhật Bản so với 79 của Trung Quốc). Đó là chưa kể hạm đội Trung Quốc còn có 70 tàu hộ tống, 26 tàu chống ngầm và 109 tàu tên lửa.
Tàu tên lửa Type 22 của Trung Quốc là loại tàu nhỏ: lượng giãn nước 224 tấn, dài 42 mét. Nhưng nó mang theo 8 tên lửa chống hạm YJ-83 với tầm bắn lên tới 180 km. Và có 82 chiếc tàu như vậy trong phiên chế đang hoạt động.
Ưu thế vượt trội về số lượng của hạm đội Trung Quốc, kết hợp với sự vươt trội về số lượng máy bay của hàng không Trung Quốc, sẽ dễ dàng chiếm thế thượng phong trên không ở vùng Biển Đông, chẳng chừa lại cho hạm đội Nhật Bản chút cơ may thành công nào, thậm chí cả khi Tokyo huy động toàn bộ lực lượng của Nhật Bản.
Dễ thấy là nếu Hải quân Nhật Bản gửi 2-3 tàu đến Philippines, thì họ sẽ chẳng thể làm gì trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công quy mô lớn tiềm ẩn. Đơn giản là nhóm này sẽ bị nhấn chìm, gần giống như mục tiêu trên thao trường.
Vậy cuộc phô trương «liên kết đồng minh» này có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nghiêm túc tin rằng một nước đã tạo dựng lực lượng vũ trang khổng lồ như Trung Quốc sẽ sợ hãi trước một vài tàu khu trục Nhật Bản trong vùng biển Philippines?