Biển Đông

Việt Nam tránh xung đột, tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông

Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý khai trương đường dây nóng kết nối Hải quân Việt Nam và lực lượng hải quân Quân khu Nam của Trung Quốc. Bắc Kinh và Hà Nội, cũng là các bên có tranh chấp quần đảo ở Biển Đông, đang thực sự chỉ ra cách giải quyết vấn đề và tránh xung đột…
Sputnik
Việt Nam hành động sáng suốt, lấy giải pháp hòa bình, ổn định và hữu nghị làm trọng.
Trong khoảng một tuần qua, phải nói rằng, Biển Đông đã nóng lên. Mỹ, Nhật, Úc, Philippines và Trung Quốc tổ chức tập trận trên Biển Đông. Những cuộc tập trận này lại diễn ra trong thời gian sát nhau. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan thực hiện các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế và đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu vực.

Ai gây căng thẳng trên Biển Đông, nên nghĩ trước tới hậu quả nghiêm trọng

Bộ Tư lệnh chiến khu Nam bộ, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tuần tra chiến lược hải quân và không quân chung ở Biển Đông ngày 7/4. Trong khi đó, ngày 6/4, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật, Úc và Philippines thông báo bốn nước sẽ tổ chức một hoạt động hợp tác hàng hải vào ngày 7/4 tại khu vực mà các nước này gọi là "vùng đặc quyền kinh tế của Philippines". Theo Tuyên bố chung, đây là cuộc tập trận toàn diện đầu tiên có sự tham gia của Mỹ, Nhật, Úc và Philippines nhằm thể hiện cam kết chung trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để ủng hộ một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Ngoài các cuộc diễn tập nói trên, sự căng thẳng trong các động thái giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông có dấu hiệu gia tăng.
“Nằm trên một trong ba tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, Biển Đông là một trong những vùng biển rất quan trọng trong khu vực, có liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực cũng như trên toàn cầu. Vì vậy, tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đông là động cơ của người Mỹ trong chiến lược bao vây, cô lập Trung Quốc”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam bình luận với Sputnik.

“Trong trả lời phỏng vấn cho tờ Global Times của Trung Quốc, ông Duterte – cựu Tổng thống Philippines đã lên án tranh chấp Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông và các chính sách hiện tại của chính quyền Manila trong quan hệ với Trung Quốc. Ông Duterte nói rằng, Mỹ đang "cố gắng kích động một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Philippines" và cảnh báo rằng, Mỹ "sẽ không mạo hiểm mạng sống của người Mỹ vì lợi ích của người Philippines".

Cựu tổng thống Philippines cũng bày tỏ hy vọng Philippines “sẽ có thể từ bỏ con đường tai hại của mình” và giải quyết các vấn đề với Trung Quốc thông qua đối thoại và đàm phán. Vấn đề là chính phủ hiện nay của Philippines sẽ chọn con đường nào. Con đường leo thang căng thẳng sẽ dẫn tới hậu quả khó lường”, - PGS-TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.

Biển Đông
Trung Quốc - Philippines cãi nhau ở Biển Đông và phản ứng của Việt Nam
Từ một khía cạnh khác, vì tuyến đường hàng hải qua Biển Đông là huyết mạch logistic của nhiều quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan nên các quốc gia này chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng nếu như như tình hình Biển Đông trở nên mất kiểm soát. Ngoài ra, vùng Viễn Đông của Nga và cả một vùng Hoa Đông rộng lớn của Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi căng thẳng trên Biển Đông leo thang.

“Tuy nhiên, vì những ràng buộc lẫn nhau về lợi ích nên dù cho người Mỹ có muốn gây căng thẳng ở Biển Đông trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc thì họ nên nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng khi muốn “diễu võ, dương oai” trên vùng biển này. Và cả Trung Quốc cũng vậy! Mỗi khi họ muốn có một hành động trả đũa nào đó đối với Mỹ thì họ cũng cần tính đến phản ứng của các quốc gia ven Biển Đông”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Do đó, việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng không và hàng hải trong khu vực Biển Đông, phù hợp với các công ước quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia chứ không chỉ là việc riêng của những quốc gia tiếp giáp với Biển Đông.

Việt Nam lấy giải pháp hòa bình, ổn định và hữu nghị làm trọng

Trả lời câu hỏi của Sputnik, Việt Nam hành động và phản ứng thế nào trước những gì đang diễn ra ở Biển Đông ở thời điểm hiện tại, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm lưu ý: Việt Nam không đứng về phe nào trong các mâu thuẫn lợi ích ở Biển Đông, bất kể họ là các cường quốc hàng đầu thế giới hay các quốc gia nhỏ bé. Việt Nam đứng về phía lẽ phái, về phía công lý trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế với mong muốn lấy hòa bình, ổn định và hữu nghị làm trọng, không leo thang căng thẳng, không để phát sinh xung đột.
Ngược lại, phải lấy ngoại giao thay cho súng đạn, lấy đối thoại thay cho đối đầu, lấy hợp tác thay cho xung đột, lấy hòa bình, ổn định và hữu nghị làm trọng. Chính vì vậy mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói: “Việt Nam đề nghị các hoạt động của các bên, các nước liên quan cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đồng thời phải đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu nêu trên”.

“Hôm 11/4 đã diễn ra hai sự kiện rất quan trọng. Tại Washington đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh ba bên Philippines, Nhật Bản và Hoa Kỳ, họ đã thảo luận về Biển Đông. Vào ngày 11 và 12/4, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và người đồng cấp Việt Nam được tổ chức.

Giới truyền thông thì tập trung chú ý tới thượng đỉnh ba bên, nhưng theo tôi, thỏa thuận đạt được giữa hai bộ quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc là cực kỳ quan trọng: Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý khai trương đường dây nóng kết nối Hải quân Việt Nam và lực lượng hải quân Quân khu Nam của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bắc Kinh và Hà Nội, cũng là các bên có tranh chấp quần đảo ở Biển Đông, đang thực sự chỉ ra cách giải quyết vấn đề và tránh xung đột. Việt Nam hành động thật sáng suốt trong bối cảnh căng thẳng hiện nay trên Biển Đông: Lấy giải pháp hòa bình, ổn định và hữu nghị làm trọng, tránh leo thang căng thẳng”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.

Thảo luận