Trước đó tại Hội đồng Bảo an LHQ Moskva đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ và Nhật Bản đưa ra về việc không bố trí vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) trong không gian vũ trụ. Bên cạnh những nguyên nhân khác, Nga đã làm điều này bởi vì Hội đồng Bảo an không đưa vào văn bản nghị quyết nội dung sửa đổi do Moskva và Bắc Kinh đề xuất kêu gọi ngăn chặn vĩnh viễn việc triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian vũ trụ chứ không chỉ riêng WMD. Washington và Tokyo chưa bao giờ giải thích lý do tại sao họ lại phản đối việc đưa đề xuất của Moskva và Bắc Kinh vào dự thảo nghị quyết của họ.
“Tôi vừa trở về sau chuyến đi Nhật Bản, nơi tôi có hân hạnh đến thăm Nagasaki, thành phố mà hồi xưa bị bom nguyên tử rơi trúng. Đó là lời nhắc nhở về trách nhiệm sâu sắc của chúng ta trong việc ngăn chặn tai họa chiến tranh và đảm bảo rằng sau này sẽ không có nơi nào nữa phải trải qua nỗi kinh hoàng của vũ khí hạt nhân", - bà Thomas-Greenfield phát biểu sau khi Nga chặn dự thảo nghị quyết nói trên.
“Đáng tiếc là hôm nay Nga đã chối bỏ trách nhiệm này”, - bà ta nói thêm.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya đã đáp lại phát biểu của bà Thomas-Greenfield.
“Nhân tiện, đồng nghiệp người Mỹ của tôi vừa kể lại cho chúng ta nghe về chuyến đi của bà đến Nhật Bản, về chuyến thăm Nagasaki của bà ấy, về hậu quả kinh hoàng của vụ ném bom hạt nhân. Tôi xin phép hỏi: liệu bà ấy có cho chúng ta biết ai đã thực hiện vụ ném bom hạt nhân đó không? Lần duy nhất trong lịch sử nhân loại. Hoặc có thể đồng nghiệp của chúng ta đến từ Nhật Bản sẽ nói về điều này chăng? Một đất nước mà trong trí nhớ của tôi chưa bao giờ chỉ ra tên của quốc gia đã ném bom hạt nhân vào họ”, - ông Nebenzya nói.
“Cứ như thể những quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima và Nagasaki thực sự đến từ vũ trụ và không rõ từ đâu mà ra”, - ông nói thêm.
Vào ngày 9/8/1945, lúc 11 giờ 20 phút sáng, Không quân Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử Fat Man có sức công phá 20 kiloton và trọng lượng 4,5 tấn xuống Nagasaki. Hơn 73 nghìn người đã chết hoặc bị coi là mất tích ngay lúc đó, sau này còn thêm 35 nghìn người nữa chết vì bị phơi nhiễm và bị thương. Hơn 50% nạn nhân bị bỏng, có tới 30% bị tổn thương do sóng xung kích và 20% bị nhiễm phóng xạ có khả năng xuyên thấu. Hỏa hoạn đã phá hủy hầu hết các khu nhà dân cư. Hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử thứ hai này cũng kinh hoàng không kém vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 6/8 ở Hiroshima.