Hoạt động bốc dỡ hàng từ tàu xuống cảng thường chỉ kéo dài vài tuần. Tuy nhiên các con tàu của Liên Xô chở hàng kinh tế và kỹ thuật quân sự đến cảng Hải Phòng vào tháng Tư năm 1972 đã ở lại đây gần 300 ngày. Lịch sử hàng hải hiếm khi gặp trường hợp neo đậu lâu như vậy.
Trong số các tàu buôn này có tàu Babushkin. Tàu Babushkin đã từng đến Việt Nam bảy lần trước đó, chở theo tổng cộng 72.000 tấn hàng hóa bao gồm kỹ thuật quân sự, máy kéo, máy ủi, xe tải, thuốc chữa bệnh, thép.
Chuyến đi thứ tám đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngày 15/4/1972, tàu Babushkin thả neo lần thứ tám tại cảng ngoài của Hải Phòng. Ngay đêm ấy, thủy thủy đoàn đã bị đánh thức bởi tiếng gầm rú của những chiếc máy bay Mỹ trên bầu trời Hải Phòng. Toàn bộ cảng và thành phố bị đánh bom suốt 30 phút. Cuộc tấn công thứ hai xảy ra lúc 10 giờ sáng. Bốn tàu Mỹ xuất hiện cách Babushkin khoảng 5 dặm cũng bắn vào bờ. Cuộc tấn công thứ ba diễn ra ba giờ sau đó.
Một thợ tiện trên tàu Babushkin là Vladimir Payevsky ghi lại trong nhật ký: "Nhà ga, bến cảng và các khu dân cư bốc cháy. Đường sắt đi Hà Nội bị phá nát. Tàu Lavrenev của Liên Xô bị hư hại. Một quả bom phát nổ cạnh tàu Simferopol đang đứng ngay bến tàu. Trên thân tàu, các khoang hầm, cabin thủy thủ đoàn và trên cầu tầu có tổng cộng 80 lỗ thủng. Lỗ thủng lớn nhất có đường kính hai mét. Một số người bị thương trong đó có các công nhân người Việt đang làm việc trong khoang. Bác sĩ của tàu đã sơ cứu cho họ".
Ngày 18/4, tàu Babushkin cập cảng Hải Phòng. Lúc 8 giờ sáng ngày 9/5, các máy bay Mỹ bắt đầu thả mìn bằng dù từ độ cao 100 mét. Các thủy thủ đã chăm chú theo dõi và ghi lại trên bản đồ vị trí mìn rơi để thông báo cho phía quân đội Việt Nam. Xung quanh Babushkin có bốn quả mìn. Quả gần nhất cách tàu 30 mét. Sóng biển xoay vần con tàu bên trong bãi mìn.
Ngày 9/5, vào buổi trưa, ban quản lý cảng công bố tối hậu thư của Mỹ đòi tất cả các tàu phải rời cảng Hải Phòng. Người Mỹ đe dọa vào lúc 18 giờ ngày 11/5 sẽ kích nổ số mìn đã ném xuống nước. Tác giả cuốn nhật ký, thủy thủ từ tàu Babushkin Vladimir Payevsky viết: "Chúng tôi không định đi đâu! Hôm nay lại là 9/5, Ngày Chiến thắng phát xít Đức. Người Mỹ cũng không đe dọa được chúng tôi!".
Việc Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng không cản trở sự viện trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Babushkin là một trong mười tàu Liên Xô đã ở lại cảng Hải Phòng và bị Mỹ phong tỏa. "Tình hình rất phức tạp, - ông Vladimir Payevsky ghi lại trong nhật ký. - Chúng tôi ở trong cảng như trong chiếc chai bị đóng nút".
Sáng ngày 12/5, một quả mìn đầu tiên tự phát nổ. Đúng chiếc rơi xuống nước cách chỗ tàu từng đứng khoảng 30 mét. Sau đó trong ngày thêm ba quả mìn khác tự động phát nổ. Chiều ngày 17/5, trên bến bắt đầu giải phóng chỗ để dỡ hàng từ tàu Babushkin. Trước hết, thuốc men được đưa lên bờ. Sau đó đến lượt thép, thiết bị cho nhà xưởng, máy móc.
"Các công nhân Việt Nam làm việc tới 12 giờ đồng hồ, - thủy thủ Liên Xô viết trong nhật ký. - Bom Mỹ không làm họ nản lòng mà trái lại thôi thúc họ hành động gấp bội. Đám thủy thủ chúng tôi ngày càng gắn bó với Hải Phòng, cảng biển đã gắn liền với số phận chúng tôi".
Các cuộc không kích vào thành phố diễn ra hầu như hàng ngày. Cảng bị phong tỏa. Nhưng điều đó đã không cản trở sự viện trợ của Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam. Ví dụ, ngày 24/5, 25 tàu chở hàng Liên Xô đang trên đường tới Việt Nam. Và đến ngày 20/6, hoạt động giao hàng của Liên Xô cho Việt Nam qua các cảng Hòn Gai và Cẩm Phả đã tăng gấp đôi kể từ khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa.