Trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Funan Techo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm, tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
"Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay.
Việt Nam cũng mong muốn Campuchia thực hiện các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau.
Ngày 9/4, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bác thông tin cho rằng dự án kênh đào Funan Techo có thể tạo điều kiện cho chiến hạm Trung Quốc đi vào sông Mekong. Ông cho rằng kênh đào "hoàn toàn phục vụ lợi ích kinh tế xã hội" khi mở ra thêm tuyến đường thủy đến khu vực tây nam Campuchia, bên cạnh những tuyến hiện có trên sông Mekong, và sẽ không ảnh hưởng đến dòng nước.
Được biết, dự án kênh đào Funan Techo được Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn vào tháng 5/2023, dự kiến dài 180 km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Theo tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.
Dự án có trị giá ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến do công ty Trung Quốc thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao.