“Nhân tiện, chúng tôi có sự đồng thuận ở châu Âu rằng chúng tôi muốn sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Đây là một số tiền đáng kể, lên tới vài tỷ euro mỗi năm”, - ông nói trong cuộc họp báo chung với những người đứng đầu chính phủ các nước vùng Baltic ở Latvia. Văn bản bài phát biểu của ông Scholz được cơ quan báo chí của chính phủ Đức cung cấp.
Theo ông Scholz, EU đã đồng ý sử dụng khoảng 90% số tiền này cho nhu cầu quốc phòng của Ukraina mà không cam kết phải mua vũ khí ở châu Âu.
Sau khi chiến dịch đặc biệt bắt đầu ở Ukraina, EU và các nước G7 đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga với số tiền khoảng 300 tỷ euro. Gần 200 tỷ euro nằm ở EU, chủ yếu trong tài khoản của Euroclear của Bỉ, một trong những hệ thống thanh toán bù trừ lớn nhất thế giới. EU đang thảo luận cách sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraina. Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rằng điều này có thể gây ra rủi ro về danh tiếng cho đồng tiền châu Âu trong dài hạn, đồng thời kêu gọi nên “nhìn xa hơn cuộc xung đột riêng biệt này” và tìm kiếm những cách khác để tài trợ cho Kiev.
Điện Kremlin tuyên bố rằng việc đưa ra những quyết định như vậy “sẽ là một động thái vi phạm tất cả các quy tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế”. Bộ Ngoại giao gọi việc phong tỏa tài sản ở châu Âu là hành vi trộm cắp, lưu ý rằng EU đang nhắm mục tiêu không chỉ vào quỹ của các cá nhân mà còn cả tài sản nhà nước của Nga.
Nga sẽ đáp trả nếu tài sản phong tỏa của nước này ở phương Tây bị tịch thu, Ngoại trưởng Sergei Lavrov trước đó cảnh báo. Ông nói thêm rằng Moskva “cũng có khả năng không trả lại những khoản tiền mà các nước phương Tây đã nắm giữ ở Nga và những khoản đã bị đóng băng để đáp trả việc dự trữ nhà nước của Nga bị bắt giữ.