“Trong tình hình quân sự hiện nay, tôi cho rằng việc triển khai lực lượng tên lửa phòng không của Đức trên lãnh thổ NATO giáp biên giới với Ukraina là cần thiết và có trách nhiệm để bảo vệ không phận phía tây Ukraina - chẳng hạn với sự trợ giúp của các hệ thống phòng không Patriot”, - Weingarten nói trong bình luận với Spiegel.
Đồng thời, chính trị gia Đức nhấn mạnh rằng điều này không yêu cầu triển khai quân đội NATO ở Ukraina, vì Patriot có khả năng kiểm soát không phận Ukraina khi chúng triển khai ở khu vực biên giới Ba Lan, Slovakia và Hungary.
Tuy nhiên, nhiều người đã phản ứng với đề xuất của Weingarten với thái độ hoài nghi: đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Bundestag Michael Roth nhấn mạnh rằng ý tưởng đặt hệ thống phòng không ở biên giới với Ukraina khó có thể tìm được nhiều người ủng hộ.
“Bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào vào chiến sự sẽ thực sự biến các nước thứ ba trở thành quốc gia tham gia xung đột”, - Spiegel dẫn lời Johann Wadeful, đại diện đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo phụ trách các vấn đề quan hệ quốc tế và quốc phòng.
Trước đó, Nga đã gửi công hàm tới các nước NATO về việc cung cấp vũ khí cho Ukraina. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý rằng bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí cho Ukraina sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các nước NATO đang "đùa với lửa" khi cung cấp vũ khí cho Ukraina. Điện Kremlin nhấn mạnh: việc bơm vũ khí từ phương Tây cho Ukraina không góp phần vào sự thành công của đàm phán Nga - Ukraina và sẽ có tác động tiêu cực. Ông Lavrov cũng tuyên bố rằng Mỹ và NATO có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraina, không chỉ bằng việc cung cấp vũ khí mà còn đào tạo nhân sự trên lãnh thổ Anh, Đức, Ý và các nước khác.