Tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng khiến Việt Nam khó thoát bẫy thu nhập trung bình, doanh nghiệp khó khăn, thị trường tài chính, tiền tệ, vàng, trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro, xử lý các ngân hàng yếu kém, nợ xấu chậm, đầu cơ bất động sản cùng nghịch lý trong phát triển nhà ở xã hội, tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp đều là những “bài toán” mà Chính phủ cần giải.
Tăng trưởng của Việt Nam chưa đủ, khó thoát bẫy thu nhập
Sáng 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nêu 6 vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức”, TTXVN dẫn phát biểu của ông Thanh cho hay.
Vấn đề thứ nhất là tốc độ tăng trưởng GDP. Uỷ ban Kinh tế đánh giá, quý I/2024, tăng trưởng của Việt Nam dù cải thiện nhưng “chưa quay lại quỹ đạo cần thiết”.
Mức tăng trưởng (GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023 – PV) nhưng cũng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững.
“Mức tăng trưởng này chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay.
Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới.
Thực tế, theo Uỷ ban Kinh tế, tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%.
“Giá vé máy bay tăng cao tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện; hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận”, cơ quan thẩm tra thẳng thắn.
Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch Covid-19.
Doanh nghiệp khó khăn
Vấn đề thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Uỷ ban Kinh tế dẫn chứng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp).
Cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Vấn đề thứ ba, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.
“Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có thời điểm đã vượt 25 nghìn đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới”, Uỷ ban Kinh tế nêu.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây) trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh”, Uỷ ban Kinh tế đánh giá.
Thu ngân sách chưa bền vững; phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc.
Vấn đề thứ tư, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm.
Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số địa phương còn chậm; việc di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Đầy rẫy vấn đề trong ngành bất động sản Việt Nam
Thứ năm, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội.
“Hiện xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra”, Uỷ ban Kinh tế thẳng thắn.
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.
Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.
Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, cơ quan thẩm tra cho rằng, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ).
“Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu trong báo cáo.
Thực tế, ở Việt Nam, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.
Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 6 là cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính.
“Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra. Tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp”, Uỷ ban Kinh tế nhìn nhận.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, theo Uỷ ban Kinh tế, là do dự báo còn hạn chế, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số Bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao.
“Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục”, Uỷ ban Kinh tế lưu ý.