Theo bộ phận phân tích của Maybank Investment Bank, Ngân hàng Nhà nước đã bán 2,8 tỷ USD trong tổng số dự trữ ngoại hối khoảng 102 tỷ USD kể từ ngày 19/4 để bảo vệ đồng Việt Nam (VND).
Không thể để VND mất giá quá mức
Phát biểu mới đây bác bỏ tin đồn cho rằng có khả năng Ngân hàng Nhà nước thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ lưu ý, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD.
Thực tế, đà giảm của đồng Việt Nam tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực như Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).
Tỷ giá VND/USD đã giảm khoảng 4,5% từ đầu năm xuống mức thấp kỷ lục và VND là đồng tiền diễn biến kém thứ hai trong khu vực ASEAN.
Mặc dù có một số lý do khác nhau bao gồm đầu cơ vàng và các diễn biến chính trị gần đây, nhưng yếu tố chủ chốt vẫn là sự chênh lệch lãi suất so với Mỹ.
Theo Nhà đầu tư dẫn ý kiến từ bộ phận phân tích Maybank Investment Bank (MSVN), NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành 125 điểm cơ bản vào năm 2023 để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, ngay cả khi Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Lãi suất liên ngân hàng đã giảm do tăng trưởng tín dụng chậm và thanh khoản cao, điều này khiến NHNN phải nâng lãi suất thông qua thị trường mở (OMO) trong vài tháng qua.
Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất OMO lần thứ hai lên 4,5% (từ 4,25%), nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn nữa.
Cũng theo phân tích của MSVN cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã bán 2,8 tỷ USD trong tổng số dự trữ ngoại hối khoảng 102 tỷ USD kể từ ngày 19/4 để bảo vệ VND.
Áp lực lên dự trữ ngoại hối của NHNN gia tăng mạnh trong tháng 5 với việc bán ra 2,4 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với mức 380 triệu USD được bán ra trong tháng 4.
Tuy nhiên, không giống như các đồng tiền tệ ở các nước khác trong khu vực ASEAN, áp lực lên VND vẫn chưa có dẫn hiệu giảm bớt, ngay cả khi chỉ số USD (DXY) giảm. Hiện vẫn còn nhiều bất định về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc.
“Không thể để VND mất giá quá mức”, MSVN đánh giá nếu để VND mất giá thêm có thể đẩy lạm phát cao hơn mức mục tiêu 4,5%, ảnh hưởng đến sức mua của hộ gia đình và chi phí doanh nghiệp.
Ngày càng nhiều người dân trong nước chuyển đổi tiền sang đô la để phòng ngừa VND mất giá thêm. Thêm vào đó, VND mất giá cũng đẩy cao chi phí sản xuất cho các nhà đầu tư FDI, đa số phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
NHNN sẽ làm gì tiếp theo?
Do đó, MSVN dự báo rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản, có thể diễn ra trong vài tuần tới, vào tháng 5 hoặc 6.
“NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, trước tiên đánh giá xem liệu việc tăng lãi suất (cùng với việc tiếp tục bán USD) có giảm bớt áp lực tỷ giá hay không, trước khi quyết định xem có cần tăng thêm lãi suất hay không”, MSVN lưu ý.
Bộ phận phân tích của Maybank cũng cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng lãi suất cho vay với độ trễ nhất định và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước.
“Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể và chính sách tài khoá để giảm thiểu tác động của việc tăng lãi suất điều hành”, các chuyên gia lưu ý.
Nhóm phân tích của MSVN cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng) như là công cụ chính sách chính để nâng lãi suất tiền gửi trên thị trường.
Các chuyên gia lý giải, tiền gửi là nguồn vốn chính của các ngân hàng, nên việc lãi suất tiền gửi cao hơn sẽ được chuyển sang làm tăng lãi suất cho vay, nhưng với độ trễ khoảng 3 đến 6 tháng. Các cơ quan chức năng đã thừa nhận rằng nền kinh tế vẫn cần được hỗ trợ và yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay.
Trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, lãi suất cho vay có thể được giữ ở mức thấp thông qua các lãi suất ưu đãi cho các ngành ưu tiên (chẳng hạn như ngành bất động sản).
Các chuyên gia cũng nhận định, một số biện pháp chính sách tài khóa, bao gồm hoãn thuế và gia hạn giảm 2 điểm phần trăm thuế VAT đến tháng 12 (so với tháng 6 trước đó) cũng có thể được sử dụng để giảm bớt tác động.
Vì sao tỷ giá tăng?
Đánh giá về áp lực tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm nay, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) lưu ý, từ đầu năm đến nay, có thời điểm chỉ số USD tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Xu thế nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh, ước đạt 132,23 tỷ USD; tăng 19,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái đã làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Quang, việc này không phải điểm đáng quan ngại, bởi việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.
Trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế, khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm, đã thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn. Trong khi đó, khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành hiệu quả. Từ ngày 19/4, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
"Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được NHNN thực hiện nêu trên cũng là giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai", đại diện NHNN nêu rõ.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường.