“Tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ không xảy ra trong thời gian tới và chúng tôi đang theo đuổi chính sách để điều đó không xảy ra”, - ông Scholz nói khi trả lời câu hỏi rằng ông có mong đợi nổ ra xung đột giữa các nước NATO, đặc biệt là Đức, với Liên bang Nga hay không. Cuộc trò chuyện đã được phát trên kênh YouTube của tờ báo.
Theo ông, mục tiêu của chính phủ Đức là tránh để xảy ra xung đột thông qua “chính sách có động cơ ngoại giao” và quan niệm về tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia.
“Tất nhiên, cần phải quay lại chính trị, ngoại giao và hiểu biết lẫn nhau”, - ông nói và dẫn việc thành lập CSCE và sau đó là OSCE ra làm ví dụ.
Đồng thời, ông nhắc lại “Zeitenwende” (sự thay đổi thời đại) mà ông đã nói đến sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraina, do đó Đức hiện nay dự định tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Hôm thứ Tư, người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói rằng nội các Đức không thể trả lời câu hỏi liệu Ukraina có quyền thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hay không, vì đây là một phần trong thỏa thuận bí mật giữa các quốc gia đối tác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào đầu tuần sau tuyên bố của ông này rằng Ukraina nên được phép tấn công Liên bang Nga, đã không phản bác tuyên bố đó mà trả lời rằng Kiev có quyền chính đáng để bảo vệ bản thân mình.
Trước đó, sau vụ rò rỉ cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan quân đội Đức nói về vụ tấn công cầu Crưm, ông Scholz một lần nữa lên tiếng phản đối việc cung cấp Taurus cho Ukraina vì theo ông, để kiểm soát việc sử dụng loại tên lửa này cần có sự tham gia của binh lính Đức. Thủ tướng trước đây đã nói rằng việc này sẽ vi phạm “lằn ranh đỏ” và khiến Đức trở thành một bên tham gia chiến sự.