Như bài báo lưu ý, nguyên thủ các nước chủ chốt - Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ - sẽ không đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ bàn cách “giải quyết xung đột” được tổ chức vào tháng 6. Các nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất tham gia sự kiện này sẽ là Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
“Đối với người Ukraina đây là một tín hiệu báo động. Mục tiêu chính trong kế hoạch hòa bình của họ là ngăn chặn các đồng minh phương Tây lên tiếng về việc hòa giải. Kiev lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến cái gọi là kịch bản Triều Tiên: phương Tây trên thực tế công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các khu vực (mới)”, - bài báo nói.
Như tác giả Hajek nhận xét, những phát ngôn thận trọng về sự cần thiết phải đàm phán với Nga chủ yếu nghe được từ phương Tây. Nói về việc giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao còn có các quan chức cấp cao như Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto, Tổng thống Séc Petr Pavel và ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo nhà phân tích Ukraina Alena Getmanchuk, người đứng đầu Nhà Trắng hiện tại là ông Joe Biden cũng có quan điểm tương tự.
“Phía các quốc gia theo đuổi nguyên tắc “hòa bình bằng mọi giá” không từ bỏ và bỏ qua thực tế rằng trong điều kiện hiện tại, các cuộc đàm phán rất có thể sẽ giống như một cuộc thảo luận về các điều khoản đầu hàng của Ukraina”, - bài viết tóm lược.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng tiếp tục quá trình đàm phán về Ukraina, nhưng chưa biết phía bên kia sẽ đưa ra đề nghị gì. Như nguyên thủ nước Nga nhiều lần lưu ý, Kiev không nên lợi dụng giải pháp hòa bình để tạm dừng chiến sự nhằm mục đích tái vũ trang, đó phải là một cuộc đối thoại nghiêm túc về việc đảm bảo an ninh cho nước Nga, Tổng thống nói rõ.