Theo Bộ trưởng Hùng, chương trình này sẽ triển khai trên quy mô toàn quốc, bao gồm các đơn vị hành chính từ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn và một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến để thực hiện chương trình là 122.250 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030 và 134.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2031-2035, tổng cộng 256.250 tỷ đồng cho cả 11 năm.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương dành cho chương trình tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng giai đoạn 2025-2030. Còn ngân sách địa phương đóng góp khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) và khoảng 15.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chương trình sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2025 sẽ tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực. Giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 sẽ triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để phát triển văn hóa trở thành động lực nội sinh của nền kinh tế.
Cơ quan thẩm tra Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội nhìn chung nhất trí với phạm vi, quy mô của chương trình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phạm vi còn quá rộng và dàn trải.
Ủy ban Văn hóa đề nghị căn cứ tình hình thực tiễn, khả năng bố trí ngân sách để xác định những nhiệm vụ trọng điểm, ưu tiên thực hiện trước.
Về tổng mức vốn đầu tư, Ủy ban này cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ và cho rằng đây là cụ thể hóa quan điểm Đảng về phát triển văn hóa. Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn cơ sở tính toán.
Riêng với nguồn ngân sách Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận định đây là mức "có thể chấp nhận được", nằm trong khả năng cân đối ngân sách quốc gia.
Đối với phần ngân sách địa phương đóng góp 24,6%, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ này khá cao, khó thực hiện đối với các địa phương nghèo. Ủy ban Văn hóa đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tỷ lệ phù hợp hơn.
Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về Chương trình này tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua chính thức tại Kỳ họp thứ 8 khóa XV.