Theo Bộ trưởng, Việt Nam có tiềm năng đất hiếm lớn. Tuy nhiên, việc khai thác, chế biến chưa được nghiên cứu tổng thể, chưa có công nghệ chế biến sâu.
Trong quá trình nghiên cứu, chế biến phải chuyển giao công nghệ, chế biến sâu để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Tiềm năng đất hiếm rất lớn
Sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Báo Chính phủ dẫn chất vấn của Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết về công tác khai thác, quản lý, sử dụng các loại khoáng sản chiến lược, quan trọng, đặc biệt là đất hiếm trong thời gian qua.
Đáp lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng với trữ lượng tương đối lớn. Chẳng hạn, trữ lượng bô-xít (bauxite) của Việt Nam vào khoảng 5,8 tỷ tấn, còn titan khoảng 600 triệu tấn.
Về đất hiếm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá Việt Nam có trữ lượng khoảng 2,7 triệu tấn, đồng thời tài nguyên đất hiếm khoảng 18 triệu tấn nữa nên tổng thể Việt Nam có 20,7 triệu tấn đất hiếm, theo ông Khánh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, Thủ tướng đang giao cho Bộ TN&MT đề án điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể trữ lượng đất hiếm.
“Thì hiện nay, theo số liệu của chúng tôi, chúng ta cũng có xấp xỉ gần gần 30 triệu tấn đất hiếm”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói trước Quốc hội Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ phải xong đề án và báo cáo Thủ tướng.
Việt Nam cần làm gì để tận dụng tiềm năng 30 triệu tấn đất hiếm?
Cũng theo ông Khánh, trong việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, thiết yếu, như đất hiếm, cần phải tính đến việc chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam, phục vụ nền công nghiệp Việt Nam.
“Ví dụ, chúng ta đang thu hút công nghiệp chip bán dẫn. Thủ tướng đã chỉ đạo việc này. Nếu chúng ta chế biến sâu đất hiếm thì có thể phục vụ ngay cho chúng ta và còn nghiên cứu để xuất khẩu”, ông Khánh lý giải.
Dù vậy, để làm được điều này cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện. Theo ông, trước đây Việt Nam chưa nghiên cứu một cách tổng thể việc chế biến, nên chưa có công nghệ chế biến sâu. Ông Khánh cho rằng, cần thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao được công nghệ này.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành đánh giá trữ lượng. Trong quá trình nghiên cứu, chế biến phải chuyển giao công nghệ, chế biến sâu để phục vụ cho đất nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương điều tra, đánh giá trữ lượng và nghiên cứu. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các địa phương có tiềm năng về đất hiếm như Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai tăng cường quản lý về đất hiếm.
“Đất hiếm có những thân mỏ ở sâu, có mỏ phân tấn nhỏ lẻ, trên bề mặt. Đề nghị các địa phương phải quản lý tránh việc khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm
Như đã biết, đất hiếm gồm 17 nguyên tố, hầu hết đều có vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, bao gồm pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tua bin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.
Theo báo cáo năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 44 triệu tấn. Xếp thứ nhì là Việt Nam với trữ lượng 22 triệu tấn đất hiếm. Brazil xếp tiếp theo với 21 triệu tấn.
Tại Việt Nam, một số địa phương được xác định có trữ lượng đất hiếm lớn như Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. Trong đó, Lai Châu có mỏ đất hiếm Đông Pao lớn nhất Việt Nam với 132 ha, ngoài ra còn mỏ Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe.