“Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul hôm nay đã gửi thư cho luật sư của bà Jen Psaki, cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng, để kiên quyết nhắc lại yêu cầu bà này tự nguyện cung cấp lời khai trước Ủy ban về việc rút quân thảm khốc khỏi Afghanistan của chính quyền Tổng thống Biden, nếu không sẽ có lệnh triệu tập”, - thông báo cho biết.
Theo quy định, bà Psaki phải ấn định ngày phỏng vấn chậm nhất là 12/6/2024. Ông McCall lưu ý rằng cựu phát ngôn viên Nhà Trắng đã không đưa ra "phản hồi thỏa đáng" đối với thông báo trước đó đã gửi cho bà này ngày 21/5 yêu cầu phải có mặt để cung cấp lời khai được ghi âm trực tiếp.
“Sự thiếu tôn trọng của thân chủ ông đối với yêu cầu của tôi là một sự xúc phạm đối với Ủy ban này và Hạ viện Hoa Kỳ”, - ông McCaul nói thêm.
Bà Psaki được yêu cầu cho đến ngày 12/6 phải xác nhận việc xuất hiện của mình tại Quốc hội vào ngày nào trong số các ngày 26/6, 9/7 hoặc 23/7/2024.
“Tôi hy vọng bà Psaki sẽ chọn cách xuất hiện một cách tự nguyện, nếu không tôi sẽ phải thực hiện thủ tục cưỡng chế”, - người đứng đầu Ủy ban kết luận.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ vào mùa hè sẽ công bố báo cáo về việc rút quân vội vàng khỏi Afghanistan, khiến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Cuộc điều tra của ủy ban cho thấy có sự khác nhau giữa tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cách giải thích của các nhân chứng về sự kiện năm 2021.
Một tên khủng bố liều chết của IS ("Nhà nước Hồi giáo"*, một tổ chức khủng bố bị cấm ở Liên bang Nga) đã nổ bom tự sát tại sân bay Kabul vào ngày 26/8/2021 - giữa cao trào diễn ra việc quân Mỹ rút khỏi Afghanistan. Vụ nổ đã lấy đi mạng sống của 13 quân nhân Mỹ và hơn 170 người Afghanistan đang cố gắng rời khỏi đất nước sau khi nước này bị Taliban chiếm giữ (phong trào Taliban đang bị Liên hợp quốc trừng phạt vì hoạt động khủng bố).
Vào cuối tháng 4 kênh truyền hình CNN phát hiện ra đoạn video được khẳng định là bằng chứng cho thấy một số nạn nhân của vụ khủng bố tại sân bay Kabul vào tháng 8/2021 có thể đã chết không phải do vụ nổ mà do bị lính Mỹ bắn. Sau đó, tám thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã gửi thư cho người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin kêu gọi ông này giải thích về sự liên quan có thể có của quân nhân Mỹ trong cái chết của một số lượng lớn dân thường khi xảy ra vụ khủng bố ở sân bay Kabul.
Đêm rạng sáng ngày 31/8/2021 quân Mỹ rời sân bay Kabul, chấm dứt gần 20 năm hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Vào đầu tháng 9 cùng năm, thành phần chính phủ lâm thời Afghanistan được công bố, đứng đầu là Mohammad Hassan Akhund, người từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong thời kỳ cầm quyền đầu tiên của Taliban** và bị LHQ áp lênh trừng phạt từ năm 2001.
* Tổ chức khủng bố, bị cấm ở Nga
** Tổ chức đang bị áp lệnh trừng phạt của LHQ vì các hoạt động khủng bố