Từ Google, Microsoft đến Huawei: Việt Nam “rất hấp dẫn”

Trong bối cảnh hiện nay, việc các “ông lớn” nước ngoài như Google, Amazon, Microsoft mở trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, theo báo cáo của JLL Việt Nam.
Sputnik
Đại diện tập đoàn Huawei cũng cho biết, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn hàng đầu Trung Quốc sẽ xem xét kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam khi nhu cầu thị trường đạt ngưỡng nhất định.

Việt Nam “rất hấp dẫn các nhà đầu tư”

Trên hành trình chuyển đổi số hiện nay, Trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) đang là một trong những vấn đề được quan tâm ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Việt Nam đang trở thành tâm điểm đầu tư trung tâm dữ liệu ở châu Á”, Giám đốc Giải pháp khách hàng Trung tâm dữ liệu APAC của JLL Celina Chua – hãng dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư có hoạt động trên 80 nước nêu tại báo cáo mới công bố.
Huawei và loạt ‘ông lớn’ Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam
Theo của JLL, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam hiện do các ông lớn công nghệ nội địa như VNPT, Viettel IDC, VNG, FPT Telecom, CMC Telecom... chiếm lĩnh.
Gần đây, thị trường này đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, trong đó mới nhất là Alibaba khi công ty này công bố kế hoạch thành lập DC tại Việt Nam.
Ngoài ra, có một số dự án đáng chú ý như trung tâm công suất 20 MW của Gaw Capital Hong Kong hay NTT của Nhật, QD Tek Vietnam.
"Việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian", JLL đánh giá.
Tại sự kiện New Horizon Business Summit 2024 tổ chức tại Hà Nội ngày 17 – 18/6, Giám đốc giải pháp Huawei Việt Nam Đào Quang Vinh cũng cho rằng thị trường Việt Nam đang trong quá trình phát triển và "rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư".
Tuy nhiên, việc triển khai một hệ thống DC cần tốn nhiều chi phí cũng như các điều kiện khác.

Huawei có thể xem xét xây trung tâm dữ liệu ở Việt Nam

Theo ông Vinh, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, thị trường điện toán đám mây cũng đầy hứa hẹn, tăng trưởng theo từng năm. Vài năm gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp công nghệ lớn đều đầu tư mạnh cho hạ tầng tính toán.
"Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ bùng nổ, theo nhiều góc độ khác nhau. Điều này có thể đến từ doanh số các public cloud (đám mây công cộng) hoặc dịch vụ on premise (giải pháp công nghệ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ)", TTXVN dẫn lời ông Vinh.
Cũng theo ông, cơ sở hạ tầng đám mây thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Ngoài ra, việc dịch chuyển dữ liệu lên đám mây là chìa khóa để doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng đột phá trên thị trường, đóng góp vào nền kinh tế số.
Trung Quốc: Môi trường đầu tư của Việt Nam là ưu việt
Về phía Huawei, ông Vinh nói công ty hiện vẫn đang trong quá trình đánh giá thị trường Việt Nam và khi nhu cầu đạt đến ngưỡng nhất định, "Huawei sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu".
Ngoài vấn đề chi phí và nhu cầu thị trường, doanh nghiệp còn phải xem xét lựa chọn địa điểm đặt DC để đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu của hãng trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu.
Tại Đông Nam Á, Huawei hiện đặt DC tại các quốc gia có nền kinh tế trung bình và phát triển gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), công ty này hiện có hơn 40 trung tâm dữ liệu với công suất 20.000 tủ mạng.
Dự báo các năm tới tại Việt Nam sẽ có sự bùng nổ về DC với quy mô dự kiến 1,27 tỉ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%. Dù vậy, Việt Nam vẫn đi sau một số nước, chẳng hạn như Singapore có quy mô thị trường gấp 15 lần Việt Nam, Malaysia và Indonesia gấp 5 lần.
Thảo luận