Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế làm một dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội mất 12-15 năm, nếu không có cơ chế để huy động vốn, không có cơ chế để thực hiện thì “biết đến bao giờ mới xong”.
14 tuyến metro để giảm ùn tắc cho Hà Nội
Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trước đó, Đồ án quy hoạch Thủ đô nêu cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị.
Là người tham gia quá trình xây dựng đồ án quy hoạch, phát biểu nêu ý kiến, ông Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Hà Nội cần phải tập trung giải quyết vấn đề nút thắt lớn nhất là giao thông.
“Đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt nội đô, mạng lưới đủ để chúng ta sử dụng đường sắt, khi đó chúng ta sẽ giải quyết được ùn tắc giao thông”, ông Cường tin tưởng đường sắt đô thị (metro) sẽ thay thế các phương tiện cá nhân và giảm ô nhiễm.
Theo vị đại biểu, khi mạng lưới đường sắt kết nối sẽ giãn dân, đặc biệt kết nối các tỉnh vùng Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam… và xây dựng các khu đô thị vệ tinh.
Ông Cường cho rằng, khâu kết nối cần được ưu tiên đầu tiên, khi ấy người dân ở sẽ tự động chuyển ra khỏi các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng để ra các khu vực nhà ở cao tầng ngoại thành.
Cùng với đó, cần quy hoạch các khu dân cư, gắn với khu thương mại, dịch vụ và không gian ngầm, kết nối mạng lưới giao thông đường sắt, giao thông công cộng.
“Không gian ngầm bên dưới phát triển thành khu thương mại, dịch vụ, còn trên mặt đất trở thành không gian trống để trồng cây xanh, khu vực công cộng. Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không thể tồn tại như những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội hiện nay”, ông Hoàng Văn Cường nói.
Ông cũng cho rằng, việc này không cần tốn tiền bởi khi có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị.
Về trục cảnh quan sông Hồng trong đồ án quy hoạch, vị đại biểu nhìn nhận, Hà Nội lấy sông Hồng làm không gian cảnh quan, trục không gian trong tương lai thì cần xây dựng con đường di sản ven sông Hồng từ đó kết nối các khu đô thị, chuỗi đô thị.
Tuy nhiên, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cho người dân phố cổ di chuyển ra ngoại thành với quan điểm là không thu hồi nhà ở của họ, vẫn bảo toàn tài sản của họ, chỉ hỗ trợ Nhà nước - người dân kết hợp khai thác kinh doanh dịch vụ thương mại.
“Cho nhà đầu tư vào cải tạo các khu phố cũ, phố cổ để các khu vực này trở thành trung tâm lưu trú, khai thác kinh tế ban đêm. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác khu vực ở quanh hồ Hoàn Kiếm, cần nhân rộng mô hình kinh tế ban đêm ra 36 phố phường”, ông đề xuất.
Biết bao giờ mới xong 14 tuyến đường sắt
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện quy hoạch – lập ra, vẽ ra có thể khó, nhưng chưa khó bằng giữ được hay thực hiện được.
Dẫn thẳng câu chuyện đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị mà đại biểu Cường kỳ vọng, Bộ trưởng cho biết, Hà Nội có quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị, số vốn cần khoảng 40 tỷ USD.
Trước năm 2035 Hà Nội phải hoàn thành các tuyến đường này, tức là còn hơn 10 năm, 11 năm nữa để hoàn thành.
“Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mất trung bình từ 12-15 năm để hoàn thành một dự án đường sắt. Nếu không có cơ chế đột phá, bao giờ chúng ta mới hoàn thành?”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Do đó, theo ông Dũng, Hà Nội cần xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng để ưu tiên việc gì làm trước, việc gì làm sau để hoàn thành kế hoạch xây dựng đường sắt mà Bộ Chính trị giao.
Hà Nội phải xây dựng kế hoạch khả thi nhất, trong đó có các cơ chế đi kèm, thứ tự ưu tiên làm sao, thế mới có cơ hội cho tương lai.
“Cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để chúng ta làm được điều này? Nếu không thì quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng, chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được”, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn, rất khó.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, rất nhiều các vấn đề trong tổ chức thực hiện mới có được một bức tranh, mới có được một thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn.