Theo NHNN, tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% hay hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm nhưng nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng.
Tiền gửi dân cư lập kỷ lục mới
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu đáng kinh ngạc khi bất chấp lãi suất rất thấp thời gian qua, lượng tiền gửi người dân vẫn ùn ùn đổ vào các ngân hàng với gần 6,7 triệu tỷ đồng, lập kỷ lục mới.
Cụ thể, theo nhà điều hành, tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 13,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 143.000 tỷ so với tháng 2, thấp hơn cuối năm 2023 khoảng 71.000 tỷ đồng.
Cả tiền gửi cá nhân và tiền gửi của tổ chức kinh tế đều tăng trưởng dương trong tháng 3.
Trong đó, tiền gửi của người dân lập kỷ lục mới tại hệ thống ngân hàng khi đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tăng lên gần 39.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2, và tương ứng mức tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, tiền gửi dân cư tăng hơn 143.000 tỷ đồng.
Tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng gần 104.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2 và đạt hơn 6,62 triệu tỷ đồng.
Tuy vậy, do 2 tháng trước, tiền gửi của doanh nghiệp giảm khá mạnh hơn 318.000 tỷ đồng (tháng 2 âm 4,66%, tháng 1 âm 2,41%) nên tính chung 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận, tiền gửi doanh nghiệp tăng trưởng âm 214.000 tỷ đồng, giảm 3,14%.
Việc tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm mạnh hơn so với mức tăng trưởng của tiền gửi dân cư đã khiến tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng giảm hơn 71.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.
Tình hình lãi suất ngân hàng hiện nay
Tiền gửi của cư dân có chiều hướng tăng cao kỷ lục, cùng với đó là mức tăng dần của lãi suất huy động kể từ tháng 4 và bắt đầu lan rộng hơn từ tháng 6 cũng được xem là thúc đẩy người dân gửi tiền vào ngân hàng.
Theo các chuyên gia, bất chấp lãi suất thấp nhưng tiền gửi người dân vẫn được đổ vào hệ thống ngân hàng do nhiều kênh đầu tư khác không sinh lời và kinh tế còn khó khăn.
Đáng nói, nửa đầu năm nay, kênh đầu tư vàng nổi lên mạnh mẽ, giá vàng tăng cao kỷ lục tuy nhiên, hiện người dân có tiền cũng khó mua được dễ dàng như thời gian trước.
Trong khi đó, có thể thấy, từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất huy động của các ngân hàng Việt Nam có xu hướng tăng trở lại nhưng vẫn duy trì mức thấp.
Theo thống kê của WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã chạm đáy 4,35%/năm vào cuối tháng 3.
Lãi suất huy động cùng kỳ hạn với nhóm ngân hàng thương mại khác và nhóm Big4 cũng chạm đáy lần lượt là 4,52%/năm và 4,68%/năm vào đầu tháng 4.
Cho đến nay, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại lớn và nhà băng khác đã nhích lên, lần lượt đạt 4,75%/năm và 4,98%/năm.
Dù vậy, 4 ông lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn tiếp tục duy trì lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,68%/năm.
Hiện chỉ có 2 ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất trên 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là NCB (5,05%/năm) và CBBank (5,15%/năm).
Tháng 6/2024 có hơn 25 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng tăng liên tục 2 - 3 lần, với mức tăng khá mạnh như GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, OceanBank, NCB, TPBank, PGBank, và LPBank…
Điển hình sáng nay 21/6, đã có thêm 2 ngân hàng tư nhân lớn điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là ACB và LPBank.
Dự báo lãi suất sẽ tăng dần lên
Nhìn nhận về mặt bằng lãi suất, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, trong quý đầu năm nay, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử.
“Tuy nhiên, bước sang quý 2, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng”, - ABS lưu ý.
Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại. Các nhà băng quốc doanh tăng tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, lãi suất huy động sẽ không còn dư địa để giảm tiếp dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát.
Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND khiến mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm.
“Mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID là 5,05%/năm”, - VCBS lưu ý.
Dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý 2 và 3 từ 0,3 đến 0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm %.
Theo Chứng khoán An Bình, một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do.
Điển hình như, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.
Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng.