Tây Nguyên có sân bay quốc tế đầu tiên

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 23/6, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã có mặt tại sân bay Liên Khương chứng kiến sự kiện công bố sân bay này trở thành sân bay quốc tế đầu tiên của Tây Nguyên.
Sputnik
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ công bố chuyển Cảng hàng không Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), trở thành cảng hàng không quốc tế. Đây là cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên.
Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn; ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành.
Cảng hàng không Liên Khương là sân bay 4D theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sân bay có đường băng dài 3.250m, rộng 45m đáp ứng khai thác chủng loại máy bay code D như máy bay Boeing B757, Airbus A300 và tương đương trở xuống.
Theo quy hoạch sân bay Liên Khương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 5/2024, sân bay Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thời kỳ 2021 - 2030, sân bay Liên Khương có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 2, công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm. Khai thác các loại máy bay code C như Airbus A320, A321 và máy bay code E như Boeing B747, B787, Airbus A350 cũng như các loại máy bay tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Liên Khương tăng công suất khai thác lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên sẽ kéo dài đường băng thêm 350m để có chiều dài 3.600m, rộng 45m.
ACV kiến nghị dành 745 tỷ cải tạo, sửa chữa đường băng sân bay Vinh
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế là sự nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng và cả ngành hàng không.
Tuy nhiên, để cảng hàng không quốc tế Liên Khương hoạt động hiệu quả, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị liên quan và UBND tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để triển khai đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, tăng hiệu quả và phát triển cảng theo quy hoạch được duyệt.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có vị trí quan trọng không chỉ đối với địa phương mà còn với các tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Phúc, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng với đường bay thẳng đến nhiều quốc gia sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch quốc tế, vận chuyển hàng hóa đến quốc tế nhanh nhất, nhiều nhất.
Cùng với đó, Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế giúp tăng liên kết vùng, khai thác tiềm năng lợi thế cho Lâm Đồng và cả vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tổng công ty quan tâm đầu tư cảng hàng không từ cấp 4D lên 4E theo quy định được duyệt.
Đề xuất đóng cửa sân bay Vinh 4 tháng
Bà Baek Jinju (đại diện Hãng hàng không Jeju, Hàn Quốc) cho hay:
“Hiện chúng tôi đã triển khai kết nối du lịch giữa Đà Lạt và nhiều vùng tại Hàn Quốc. Dù có hiệu quả bước đầu nhưng vì thực hiện kết nối quốc tế tại một sân bay quốc nội nên gặp rất nhiều khó khăn thủ tục. Nâng cấp sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế là điều kiện đủ để tháo gỡ cho du lịch quốc tế của Đà Lạt. Chúng tôi rất mừng".
Sân bay Liên Khương được khởi công xây dựng năm 1933 với tên gọi ban đầu là Sân bay Liên Khàng. Cảng hàng không quốc tế Liên Khương cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 39 km. Sau nhiều lần nâng cấp, mở rộng, hiện nay trung bình mỗi năm Cảng hàng không quốc tế Liên Khương đón trên 2 triệu lượt khách, kết nối đến nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương còn tiếp nhận nhiều chuyến bay du lịch đến từ các nước trong khu vực và du khách Hàn Quốc.
Thảo luận