Theo lãnh đạo trường Đại học Luật Hà Nội, ông Vương Tấn Việt (tức Thượng toạ Thích Chân Quang) đủ điều kiện học thẳng lên tiến sĩ và đã hoàn thành bảo vệ luận án trước thời hạn.
2 năm lấy bằng tiến sĩ
Theo phản ánh, Thượng toạ Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ luật năm 2021 – tức chỉ khoảng 2 năm kể từ khi nhận bằng cử nhân luật tại chức năm 2019.
Do đó, nhiều người thắc mắc vị trụ trì Thiền tôn Phật Quang đã lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào, vì sao chỉ trong 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học mà đã có bằng tiến sĩ?.
Về vấn đề này, ngày 24/6, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội đã có phản hồi.
Cụ thể, PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (tên thật của Thượng tọa Thích Chân Quang) nói với báo Pháp luật TPHCM cho biết, toàn bộ quá trình đào tạo, công nhận trình độ tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Hòa, quy định của Bộ GD&ĐT nêu rõ người được học tiến sĩ bao gồm hai đối tượng gồm đã tốt nghiệp thạc sĩ, hoặc đã tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ở ngành phù hợp.
Đối với trường hợp của Thượng toạ Thích Chân Quang, theo PGS.TS Tô Văn Hoà, ông Vương Tấn Việt đủ điều kiện để học thẳng lên tiến sĩ.
Theo Điều 7, Thông tư 18/2021 ngày 28-6-2021 của Bộ GD&ĐT quy định về đối tượng và điều kiện dự tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ.
Trong đó, yêu cầu chung đối với người dự tuyển gồm: Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ; Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;
Người được tuyển cũng có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 2 năm trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ; hoặc có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.
Bảo vệ trước thời hạn đáp ứng đủ điều kiện
Theo PGS.TS Tô Văn Hoà, trong quá trình học, nghiên cứu sinh này cũng phải học đầy đủ các phần kiến thức của chương trình thạc sĩ tương ứng.
Cụ thể, ông Quang học Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp - Hành chính thì đã phải học đầy đủ chương trình thạc sĩ ngành Hiến pháp - Hành chính trong khoảng thời gian học tiến sĩ.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng có quy định về thời gian tối đa để làm chương trình tiến sĩ và cho phép học viên có thể hoàn thành trước thời hạn nếu đáp ứng đủ điều kiện.
“Ông Thích Chân Quang đã hoàn thành chương trình học tiến sĩ trước thời hạn, bảo vệ luận án vào tháng 12/2021”, PGS Tô Văn Hòa xác nhận.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, trong quá trình giảng dạy, đào tạo chương trình đào tạo tiến sĩ nói chung, cơ sở giáo dục này có nhiều học viên, nghiên cứu sinh là người hoạt động tôn giáo.
“Họ cũng giống như những học viên bình thường, được đối xử và đào tạo như các học viên khác. Ở góc độ khoa học, học thuật, họ không có gì khác biệt", lãnh đạo ĐH Luật Hà Nội khẳng định.
Thượng tọa Thích Chân Quang có tên thật là Vương Tấn Việt, 65 tuổi, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, từng là Phó ban Kinh tế Tài chính Trung ương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thời gian qua, nhà sư này gây tranh cãi khi thuyết giảng một số nội dung gây hoang mang dư luận như: “Ai hát karaoke nhiều người đó có nguy cơ chết làm ma câm”; “không có chuyện gì đáng để đi mà xách xe đi tào lao, tốn xăng, làm ô nhiễm không khí thì về già sẽ phải nằm một chỗ, tức là bị tai biến hoặc bị liệt”; “người câu cá là những người lừa đảo”... Các bài giảng được đưa lên website của chùa Phật Quang, mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Đáng nói, trong Phái Quy y Tam bảo do Thiền Tôn Phật Quang phát hành, thượng tọa Thích Chân Quang ký tên "bổn sư truyền thọ" đã sửa giới thứ ba trong phần Năm giới cấm từ "Không tà dâm" thành "Không phản bội".
Như Sputnik đưa tin, đến ngày 19/6, Giáo hội đã quyết định kỷ luật cấm ông Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng 2 năm.
Cùng với bị cấm thuyết giảng, thượng tọa Thích Chân Quang không được chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Phật Quang và các địa điểm khác trong 2 năm.
Giáo hội cũng yêu cầu chùa Phật Quang và thượng tọa Thích Chân Quang thu hồi tất cả Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa một trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo đồng thời gỡ bỏ tất cả bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội vừa qua.