Việt Nam: Sản xuất công nghiệp chủ yếu vẫn là “lấy công làm lãi”

“Bức tranh thương mại quốc tế của Việt Nam tuy khá sáng sủa về hình thức nhưng vẫn còn đó những nhược điểm cơ bản về cơ cấu cũng như nguồn gốc hàng hóa xuất/nhập khẩu. Điều đáng nói là nền kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn phục hồi khó khăn và có đà để phát triển nhưng vẫn chưa bền vững.
Sputnik
Đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà”.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam thì Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác. Các đối tác thương mại đa số là những nền kinh tế lớn, khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Với những thành tựu đạt được Việt Nam đã trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định.
Nhưng đằng sau những con số ấn tượng đó là những gì? Chất lượng xuất khẩu có tương ứng với số lượng hay không?

Nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam về căn bản vẫn thiên về gia công

Trước hết không thể phủ nhận rằng thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục trong năm 2023 với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 355.5 tỷ USD và tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD. Xuất siêu đạt 28 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2024, mức tăng thương nại quốc tế của Việt Nam cũng khá cao với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất siêu đạt 8,1 tỷ USD. Việt Nam cũng đã giữ vững thành tích xuất siêu liên tục trong 8 năm (2015-2023) và nhiều khả năng năm 2024 sẽ tiếp tục xuất siêu.
“Xét về tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu thì các con số nói trên là chính xác. Nhưng đó chỉ là xét về tổng quy mô quy đổi thành tiền. Còn ở chiều sâu hơn thì cần phải xét đến chất lượng của quy mô đó. Và qua đó, đánh giá chính xác sự bền vững của tăng trưởng kinh tế”, - Nhà nghiên cứu, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Môi trường làm việc “quá nhiều bất ổn”, Tổng giám đốc Vinatrans xin nghỉ việc
Trong toàn bộ chuỗi logistics từ sản xuất đến lưu thông, phân phối và cuối cùng là tiêu dùng thì sản xuất giữ vai trò nền tảng căn bản nhất, cho phép đánh giá thực chất nhất sức mạnh của nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vì vậy, cần phải bóc tách các lĩnh vực, các sản phẩm tham gia quá trình xuất nhập/khẩu để có được bức tranh đầy đủ nhất.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thì trong “giỏ hàng” xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam có tới 88,3%, tương đương 313,37 tỷ USD là hàng công nghiệp chế tạo, chế biến. Tiếp theo là nông, lâm sản đạt 28,15 tỷ USD (7,9%), thủy sản đạt 9,01 tỷ USD (2,5%) và cuối cùng là nhiên liệu và khoáng sản đạt 4,61 tỷ USD (1,3%).

“Nếu chỉ nhìn vào các con số về tỷ lệ các lĩnh vực và ngành hàng tham gia xuất khẩu thì có thể đánh giá rằng Việt Nam đang trên đà tiến tới một nền kinh tế công nghiệp hóa, hạn chế việc bán tài nguyên, khoáng sản.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với các số liệu về nhập khẩu thì bức tranh sẽ có sự khác biệt. Trong cơ cấu giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 thì tư liệu sản xuất, bao gồm nhiên liệu, nguyên liệu, phụ liệu và các vật tư phục vụ sản xuất khác chiếm tới 93,8% với tổng kim ngạch 307,32 tỷ USD. Còn lại là hàng tiêu dùng chiếm 6,2% với tổng kim ngạch là 20,18 tỷ USD. Đối chiếu tỷ lệ và tổng kim ngạch xuất khẩu về công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ và tổng kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất thì có thể nhận thấy ngay rằng nền sản xuất công nghiệp hóa của Việt Nam về căn bản vẫn thiên về gia công. Nói nôm na theo kiểu Việt Nam là “lấy công làm lãi”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.

Các doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà”

Theo số liệu thống kê năm 2023 của Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài (FDI) đạt 257,2 tỷ USD, chiếm 72,52% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó có có 6 nhóm đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (hơn 56 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (52,2 tỷ USD). Tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (39,47 tỷ USD); dệt may (20,2 tỷ USD); giày dép (16,3 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (11,63 tỷ USD).
Riêng các hàng hóa cao cấp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các doanh nghiệp FDI chiếm 97,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; điện thoại và linh kiện chiếm 99,66%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 91,5%. Đây là một tỷ trọng áp đảo so với tổng kim ngạch xuất khẩu của “doanh nghiệp thuần Việt” chỉ chiếm 27,48%.
Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh mỗi năm sản xuất hơn 7.000 tấn sản phẩm sợi, đạt doanh thu hơn 500 tỷ đồng.
Ở chiều nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 64% kim ngạch nhập khẩu của cả nước, đạt 209 tỷ USD. Và tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam chiếm 68,45% trong tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu của nước.

“Mặc dù trong 4 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng xuất/nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước có được cải thiện với 29% tổng kim ngạch như vẫn chưa thể có bước đột phá. Riêng về các mặt hàng công nghệ cao thì các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối.

Hai hình thái của bức tranh thương mại quốc tế của Việt Nam tuy khá sáng sủa về hình thức nhưng vẫn còn đó những nhược điểm cơ bản về cơ cấu cũng như nguồn gốc hàng hóa xuất/nhập khẩu. Điều đáng nói là nền kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn phục hồi khó khăn và có đà để phát triển nhưng vẫn chưa bền vững. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà”, - Nhà nghiên cứu, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

Một số giải pháp

Ông Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh, nền kinh tế dựa trên sản xuất gia công có ưu điểm là tận dụng được sức lao động tại chỗ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, từng bước tiếp thu công nghệ mới để phát triển. Nhưng nhược điểm của nó là phụ thuộc vào nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, phụ liệu và công nghệ nhập khẩu. Một khi vì các lý do khách quan như chiến tranh, xung đột, khủng hoảng… chuỗi logistics bị đứt hoặc hoạt động kém hiệu quả thì nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu cho nền sản xuất sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô, vi mô cũng như đối với doanh nghiệp và người lao động. Hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài 3 năm (2020-2022) là minh chứng rõ rệt nhất cho điều đó.
“Các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Họ hầu như không xây dựng thương hiệu riêng của mình ở nước ngoài. Nguyên liệu đầu vào thì vẫn lệ thuộc mạnh vào nhập khẩu…Việt Nam ký nhiều FTA, nhưng việc thực hiện hiệu quả, có chọn lọc là cần thiết. Cần chú trọng nhiều vào đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến sâu, hàng công nghệ, xây dựng hệ thống logistics, vào việc đào tạo các nguồn lực lao động trình độ cao…”, TS kinh tế Lê Hòa phát biểu với Sputnik.
Viettel được yêu cầu sản xuất chip bán dẫn sau khi làm chủ một số công nghệ lõi
“Khi nhận thức được những ưu điểm cũng như nhược điểm của nền kinh tế dựa trên phương thức gia công thì vấn đề cốt lõi nhất được đặt ra là phải nâng cao mức độ tự chủ về nguyên liệu, phụ liệu. Để giải quyết khó khăn này, Nhà nước cần ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ để sản xuất nhiều nguyên, phụ liệu ở trong nước, để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài, Qua đó, nâng cao tính tự chủ của toàn bộ nền kinh tế”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik
Ông Nguyễn Hồng Long cũng nói thêm rằng, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp tinh chế các nguyên, phụ liệu chiến lược như tinh chế đất hiếm, tinh chế titan, tinh chế alumine… cũng như phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử đang là hướng ưu tiên của chính phủ Việt Nam trong cả trước mắt và dài hạn sau này. Trong khi đó, vẫn phải duy trì và nâng cao sức sản xuất các mặt hàng truyền thống hiện có.
Thảo luận