Chuyện đáng kinh ngạc

"Dưới tán hoa siren" - Ký ức tuổi trẻ và tình yêu nước Nga của nhà văn người Việt

HÀ NỘI (Sputnik) - Mới đây, Tiến sĩ (TS), nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã tổ chức buổi ra mắt tập truyện ngắn "Dưới tán hoa siren". Tác phẩm gồm 16 truyện ngắn, tái hiện những câu chuyện có thật về người Việt tại Nga, từ góc nhìn của tác giả - người đã sống và làm việc tại đất nước này hơn 20 năm.
Sputnik

Hành trình từ sinh viên đến nhà văn tài hoa

Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Lâm đã có cơ hội học tập và làm việc tại Krasnodar, Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Hiện tại, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga. Ngoài sự nghiệp văn chương, ông từng là một doanh nhân có tiếng tại Moskva.
Tập truyện "Dưới tán hoa siren" là tác phẩm thứ năm của ông, sau các tác phẩm đã xuất bản trước đó như "Con kiến tật nguyền" (2004), "Tình yêu hàng chợ" (2005), "Mong manh xứ bạch dương" (2009) và "Truyện ngắn chọn lọc" (2011).
Ngày văn hóa Việt Nam diễn ra tại Nga
Ngày 20/5 vừa qua, tại Hà Nội, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã ra mắt tập truyện ngắn "Dưới tán hoa siren". TS. Nguyễn Đình Lâm cho biết tựa đề "Dưới tán hoa siren" mang ý nghĩa đặc biệt với ông, bắt nguồn từ những kỷ niệm về những buổi chiều nghỉ ngơi dưới bóng hoa siren thơm ngát tại một nông trường ở Krasnodar hồi sinh viên.

“Lúc ấy tôi là người Việt Nam duy nhất trong Đội lao động sinh viên Nga tham gia xây dựng chuồng trại chăn nuôi ở vùng nông thôn. Sau những giờ lao động vất vả, tôi thường ra ngồi dưới rặng hoa siren trước cửa nông trường, ngắm trăng sao và nhớ về gia đình ở Việt Nam. Mùi hương của hoa siren đã giúp tôi lấy lại sức để tiếp tục công việc. Đó chính là nguồn cảm hứng cho tựa đề của tập truyện này", nhà văn chia sẻ với Sputnik.

Tổng thống Putin: Công dân Việt Nam sẽ được ở lại Nga lâu hơn theo thị thực điện tử
Tập truyện này đặc biệt ở chỗ nó chứa đựng những câu chuyện có thật về cuộc sống của tác giả và bạn bè ông tại Nga lúc bấy giờ. Từ những kỷ niệm về món trứng rán của người bạn Lê Xuân San (nay là nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong) đến những chuyến buôn hàng đầy mạo hiểm.

“Chi tiết trong câu chuyện "Chuyến buôn cuối cùng” là xuất phát từ trải nghiệm thật của tôi. Bình thường bản nhạc "Thư gửi Elise” hay đến thế nhưng lúc đó tôi cảm tưởng từng nốt nhạc như lưỡi dao đâm vào tim mình. Khi công an đi rồi, tôi mới lôi đồng hồ từ miệng ra. Chiếc đồng hồ nhuộm đỏ máu, vì khi nhét vào miệng, quai sắt đã cứa rách môi", TS. Nguyễn Đình Lâm nhớ lại.

Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Nga
Trải nghiệm này đã khiến ông quyết định từ bỏ con đường buôn bán, nhận ra rằng việc học tập mới là con đường đúng đắn. TS. Nguyễn Đình Lâm chia sẻ thêm:

“Chuyến buôn lần đó rất thắng lợi nhưng tôi khi về tới nhà, tôi nhận tin bạn lớp trưởng cũng đi buôn nhưng bị bắt và trục xuất. Tôi đã tới đồn thăm bạn. Khi thấy trong đồn là một sinh viên Việt Nam bé nhỏ, ngồi co ro trong khám, tôi chợt nghĩ không biết số phận người bạn đó khi về nước sẽ thế nào khi bị trục xuất, tương lai không còn. Sau đó tôi nghĩ, nếu mình bị bắt và trục xuất về thì không biết sẽ ra sao. Vì thế, đó chính là chuyến buôn đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi".

Những câu chuyện như vậy không chỉ mang ý nghĩa cá nhân đối với tác giả, mà còn phản ánh những khó khăn, thách thức mà những người Việt gặp phải khi sinh sống và làm việc tại Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay.
Multimedia
Một cựu du học sinh ở Nga chia sẻ với pv Sputnik trước cuộc gặp của TT Nga với CT Việt Nam

Tình cảm gắn bó với nước Nga

Trải qua chín năm học tập và hơn một thập kỷ điều hành một trung tâm thương mại tại Nga, quản lý hàng nghìn nhân viên, TS. Nguyễn Đình Lâm đã tích lũy được cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của cộng đồng người Việt nơi đất khách. Những trải nghiệm này đã giúp ông thấu hiểu những khó khăn, thách thức mà đồng bào xa xứ phải đối mặt trên mảnh đất bạch dương tuyết trắng.

"Tuy không phải là quê hương thứ hai nhưng những người Nga đều là bạn bè của tôi cả. Khi thành lập trung tâm thương mại, mình cũng bán cho người Nga. Vì thế dù trong hoàn cảnh nào tình cảm của chúng tôi với nước Nga và người Nga vẫn không thay đổi", ông chia sẻ.

Có thể thấy, động lực viết văn của Tiến sĩ sử học này không phải đến từ khát khao trở thành nhà văn, mà là từ mong muốn ghi lại những ký ức, những năm tháng gian truân của bản thân và bạn bè nơi xứ người. Ông viết như để trả một món nợ tinh thần với chính mình và những người đồng hương ông đã gặp gỡ.
Việt Nam quan tâm phát triển lực lượng hải quân, Liên Bang Nga sẵn sàng hỗ trợ

"Dưới tán hoa siren" - Lời tạm biệt văn đàn?

Đọc "Dưới tán hoa siren”, độc giả sẽ thấy phong cách văn chương của TS. Nguyễn Đình Lâm mộc mạc, không cầu kỳ. Câu chuyện được kể theo dòng thời gian, giống như một cuộc trò chuyện thân tình giữa những người bạn cũ. Chính vì thế, mỗi trang sách của ông đều có sức hút đặc biệt.
Sức mạnh trong văn chương của ông nằm ở những câu chuyện chân thực, sống động về cuộc sống của người Việt trên đất Nga. Qua ngòi bút của ông, độc giả được chứng kiến những thử thách và cả những nỗi đắng cay mà cộng đồng người Việt phải trải qua khi theo đuổi giấc mơ đổi đời nơi xứ người, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi đầy biến động.
Bệ phóng mạnh mẽ cho thương mại và đầu tư Việt-Nga

“"Dưới tán hoa siren" là tập truyện ngắn cuối cùng của tôi. Ở tuổi này, sau nhiều thăng trầm của cuộc sống, tôi muốn tập trung vào cuộc sống của mình. Đây không chỉ là một tập truyện ngắn, mà còn là một cuốn nhật ký ghi lại những kỷ niệm đẹp đẽ của tôi và bạn bè trong những năm tháng học tập, sinh sống tại Nga", nhà văn chia sẻ với Sputnik.

Với lối viết chân thực, cảm động và đầy tính nhân văn, "Dưới tán hoa siren" là một tác phẩm đáng đọc, không chỉ dành cho những ai quan tâm đến văn học Việt Nam đương đại mà còn cho những độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Thảo luận