Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 4/7, trả lời báo giới về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo về tình hình buôn người năm 2024, bà Phạm Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết:
“Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ đã có đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống mua bán người theo những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, nổi bật là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và kịp thời ứng phó với những thách thức mới của tình hình mua bán người trong khu vực".
Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, được viết tắt là GCM theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/3/2020 nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư và ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn là hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường trao đổi, đối thoại nhằm đánh giá toàn diện, tích cực về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, phù hợp với tinh thần của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mua bán người được Liên hợp quốc xếp hạng là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, có nguồn thu bất chính cao chỉ đứng sau tội phạm ma tuý và buôn bán vũ khí. Theo ước tính của tổ chức ILO Global Estimates, hàng năm trên thế giới có 25 triệu nạn nhân bị mua bán và tiếp tục tăng qua các năm. Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm.
Việc phòng, chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân. Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mua bán người. Những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian qua là toàn diện, rõ nét.