Người đứng đầu công ty Naftogaz của Ukraina Alexei Chernyshov trước đó tuyên bố Ukraina không có ý định gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu khi hợp đồng hết hạn vào cuối năm 2024. Bộ trưởng Năng lượng Moldova Viktor Parlikov cho biết vào cuối tháng 5 rằng nếu quá trình trung chuyển bị dừng lại thì việc vận chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra. Đồng thời Chisinau và Kiev trước đó đã sơ bộ nhất trí sẽ không can thiệp vào việc cung cấp này.
“Chúng tôi vẫn còn lượng khí đốt bắt buộc dự trữ trong kho của mình, nhưng số đó chỉ đủ cho hai tuần. Bây giờ chúng tôi cần có chiến lược đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường tự do để mua khí đốt ở đó với giá thấp nhất”, - ông Recean cho biết trên kênh truyền hình Jurnal TV để trả lời câu hỏi liệu Moldova có thể tự cung cấp khí đốt hay không nếu quá trình trung chuyển chấm dứt.
Người đứng đầu chính phủ Moldova cũng đảm bảo rằng nước ông sẽ không bị thiếu điện ngay cả khi chấm dứt việc mua điện từ Transnistria.
“Moldova có đủ năng lực kỹ thuật và các hợp đồng cần thiết để nhập khẩu điện từ Romania. Điều quan trọng nhất là đảm bảo cho người dân ở tả ngạn sông Dniester”, - ông Recean giải thích.
Kể từ tháng 12/2022 công ty Moldovagaz nhận khí đốt từ hai nguồn - từ tập đoàn nhà nước Energocom và công ty Gazprom của Nga. Chisinau cung cấp cho Tiraspol toàn bộ khí đốt nhận được từ Liên bang Nga để đổi lấy điện. Nhà máy điện Moldova trong vùng này thuộc sở hữu của công ty Inter RAO của Nga hiện đang cung cấp cho Chisinau hơn 80% lượng điện cần thiết cho người tiêu dùng Moldova.
Vùng Transnistria có 60% cư dân là người Nga và Ukraina đã tìm cách ly khai khỏi Moldova ngay từ trước khi Liên Xô sụp đổ, vì lo sợ rằng trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa Moldova sẽ gia nhập Romania. Năm 1992, sau nỗ lực thất bại của chính quyền Moldova trong việc giải quyết vấn đề bằng vũ lực, Pridnestrovie gần như trở thành một lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của Chisinau.