Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Đại tướng Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam.
Hai quốc gia đầu tiên Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm trên cương vị mới
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 8/7, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp thăm cấp nhà nước tới Lào và Campuchia.
Các chuyến thăm diễn ra từ ngày 11-13/7/2024 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Quốc vương Campuchia.
“Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia từ ngày 11 - 13/7/2024”, thông cáo của Bộ Ngoại giao khẳng định.
Như vậy, Lào và và Campuchia trở thành điểm công du đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị hoàn toàn mới là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Tam giác quan hệ Việt Nam – Lào – Campuchia
Cả Lào và Campuchia không chỉ là những người láng giềng, anh em thân thiết mà còn là hai đất nước mà Việt Nam có quan hệ đặc biệt – “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962. Lào luôn biết ơn chân thành sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình, vô tư của Việt Nam trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng luôn khẳng định, coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Lào. Các dự án của Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động, bổ sung nguồn thu ngân sách, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…
Ở chiều ngược lại, Lào có khoảng 18 dự án đang đầu tư triển khai ổn định tại Việt Nam với số vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Việt Nam cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Lào hợp tác đầu tư.
Thương mại song phương 5 tháng đầu năm nay đạt 780 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2023.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith vừa thăm Việt Nam vài ngày trước. Hồi tháng 4, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đã thăm Việt Nam, bàn bạc về việc tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, hợp tác quốc phòng, an ninh với Hà Nội.
Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1967. Quan hệ hai nước được duy trì tích cực, trong đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN, hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD.
Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hơn 200 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và là một trong 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Campuchia.
Campuchia đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam hiện có mặt tại 18/25 tỉnh, thành phố của Campuchia, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như: nông nghiệp, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến và chế biến thực phẩm, khai khoáng, hàng không và du lịch.
Tại cuộc tiếp ông Hun Many, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, Tổng thư ký Ban Dân vận Trung ương CPP, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công tác Công cộng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia, chiều 5-7 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến việc thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hợp tác, phát huy đoàn kết, thống nhất giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, qua đó, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Thủ tướng Hun Manet, con trai nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen cũng đã có chuyến thăm rất tốt đẹp đến Việt Nam cuối năm ngoái.