Việt Nam không thiếu điện
© TTXVN - Vũ Hữu SinhChuyển đổi xanh – Kinh tế tuần hoàn: Gia Lai có 17 dự án điện gió được quy hoạch
© TTXVN - Vũ Hữu Sinh
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Chắc chắn tình trạng thiếu điện như năm 2023 sẽ không lặp lại. Theo tôi, những gì như tin đồn sẽ không xảy ra. Việc thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất của các công ty nước ngoài, theo tôi sẽ không xảy ra. Đây là lời khẳng định của TS. Ngô Đức Lâm - Nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) khi trao đổi với Sputnik.
Ngành điện nỗ lực
Miền Bắc Việt Nam đang vào giai đoạn cao điểm của nắng nóng. Tháng 5 - 6 luôn là giai đoạn cao điểm, khiến nhu cầu sử dụng điện lên rất cao. Nhiều ngày trong tháng 5, nhiều nơi tại đây nhiệt độ đã vượt quá 40 độ C, thậm chí có nơi lên tới 56 độ C. Nhiệt độ cao dẫn đến tiêu thụ điện tăng vượt đỉnh, trong khi cùng thời điểm này năm 2023 mức tiêu thụ điện năng chỉ quanh mức 900 kwh. Ngày 28/5 vừa qua Việt Nam đã lập kỷ lục 1 tỷ kwh/h - lần đầu tiên trong lịch sử ngành điện.
Tuy nhiên, việc cắt điện đã không xảy ra. Hiện tượng các nhà máy điện phải ngừng hoạt động như năm ngoái đã không diễn ra. Cũng không thấy có sự cố đường dây. Không thấy có hiện tượng các doanh nghiệp phải cắt giảm 30% như một hãng truyền thông nước ngoài đưa tin. Cũng chưa có hiện tượng các nhà máy thủy điện vận hành ở mực nước chết.
“Cho đến thời điểm này so với năm 2023 những hiện tượng thiếu điện chưa xảy ra. Thứ nhất, thủy điện chưa tới mực nước chết như năm ngoái. Nhìn lại thời điểm này năm ngoái, mực nước xuống rất thấp. Năm nay chưa có hiện tượng đó. Mặc dù vẫn phải cảnh giác, tuy nhiên lượng nước về chưa có thủy điện nào báo động đến mực nước chết. Năm ngoái thiếu điện, nhiều nhà máy nhiệt điện không thể vận hành được vì sự cố thiếu nhiên liệu than và dầu. Năm nay, EVN đã có sự chuẩn bị từ trước. Thời điểm này, các nhà máy nhiệt điện đang cho thất sự hoạt động ổn định, chưa có hiện tượng báo động. Thứ ba, về hệ thống đường dây. Như năm ngoái, do nắng nóng quá nhiều bộ phận tự động tự ngắt không cho vận hành. Năm nay đã sửa chữa được vấn đề này”, TS. Ngô Đức Lâm - Nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) chỉ ra.
Nội dung này cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định trước báo giới vào cuối tháng 3/2024 rằng, Việt Nam sẽ không thiếu điện trong năm nay.
Thực tế, các hồ thủy điện được tích nước ở mức cao và được vận hành tiết kiệm nước để dồn lực dự phòng cho mùa khô - là mùa cao điểm dùng điện năm 2024.
Cuối tháng 4 vừa qua, căn cứ trên tình hình thực tế của EVN, Bộ Công thương đã điều chỉnh kế hoạch điều tiết và cung ứng điện năm 2024 và các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7/2024 để tiệm cận hơn, sát hơn với tình hình thực tế. Cụ thể, đã điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 lên 310,6 tỷ kWh, tăng hơn 4,3 tỷ kWh điện/năm so với kế hoạch.
“Đáng chú ý, ngày 30/6 với quyết tâm của Chính phủ, quyết tâm của Bộ Công thương và EVN sẽ hoàn thành đường dây 500KV mạch 3 từ Quảng Bình đến Hưng Yên. Đây là dự án trọng điểm quan trọng sẽ tăng năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ 2.200 MW lên khoảng gấp đôi, khắc phục được tình trạng thiếu điện. Đã lâu lắm rồi mới có chiến dịch rầm rộ như vậy. Hàng ngàn kỹ sư, công nhân có tay nghề từ 5 Tổng công ty điện lực tăng cường làm suốt 3 ca, không có ngày nghỉ. Các địa phương có đường dây đi qua đã cố gắng phối hợp giao mặt bằng đúng hạn”, ông Lâm chia sẻ những nỗ lực của ngành điện thời gian vừa rồi.
Bên cạnh việc sớm hoàn thành đường dây 500KV, Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện Lào và Trung Quốc. Nguồn điện nhập từ Lào, Trung Quốc là cần thiết, nhằm tăng khả năng đảm bảo cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo.
Được biết, Việt Nam sẽ mua khoảng 3.000 MW điện từ Lào đến 2025, mục tiêu có thể lên tới 5.000-8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 MW vào năm 2050. Dự án này dự kiến được đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam.
Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV. Hiện tổng tỷ trọng nhập khẩu điện (từ Lào, Trung Quốc) hiện chiếm khoảng 1,6% sản lượng toàn hệ thống, tính tới hết tháng 4, tương đương 1,56 tỷ kWh.
“Những động thái trên cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn bộ hệ thống Chính trị, từ Chính phủ đến các bộ ban ngành. Với quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, tình hình điện năm nay sẽ ổn định. Chắc chắn tình trạng thiếu điện như năm 2023 sẽ không lặp lại. Theo tôi, những gì như tin đồn sẽ không xảy ra. Việc thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất của các công ty nước ngoài, theo tôi sẽ không xảy ra”, chuyên gia năng lượng nhấn mạnh với Sputnik.
Không phải vì thiếu điện mới cần tiết kiệm
Mặc dù được khẳng định là không thiếu điện, song EVN vẫn liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng điện sao cho hiệu quả.
“Có thể thấy, tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả đã và đang được Bộ Công thương quan tâm và khuyến khích thực hiện thường xuyên bởi lợi ích lâu dài. Công tác tiết kiệm điện đã được quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng”, Nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay.
Thực tế, để đối phó với thời tiết nắng nóng gay gắt, không chỉ riêng Việt Nam mà có nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ hay một số nước châu Âu đều khích lệ việc tiết kiệm điện.
Ví dụ, sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vào năm 2011, Chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên và kêu gọi các doanh nghiệp, hộ gia đình giảm sử dụng điện trong mùa hè tiếp theo.
Hay tại Mỹ, năm 2011, các nhà máy sản xuất, trung tâm dữ liệu tại Texas đã phải cắt giảm tiêu thụ điện để đối phó với mùa hè nắng nóng khi nhiệt độ liên tục ở mức 38 độ C.
“Tiết kiệm điện là biện pháp bất kể nước nào cũng cần làm. Đặc biệt, các vùng ở những nước đang phát triển. Tiết kiệm điện ở đây được hiểu là không gây áp lực cho xã hội, nó đã thành Luật”, TS. Ngô Đức Lâm cho hay.
Rõ ràng, đây không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu chuyển dịch sang ngành công nghệ và bán dẫn ngày càng tăng.
Mặc dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao, nhưng nhờ chỉ đạo chặt chẽ, công tác chuẩn bị từ trước và vận hành linh hoạt, tình hình cung ứng điện những tháng hè vừa qua vẫn được đảm bảo tốt.
Trong thời gian tới, ở miền Nam đã kết thúc mùa khô và ở miền Bắc, miền Trung đang có mưa, do đó nhu cầu phụ tải có thể giảm xuống. Vì vậy, việc cung cấp điện sẽ tiếp tục được đảm bảo.