"Không thể đánh giá hết công lao đóng góp vô giá của ông Nguyễn Phú Trọng trong sự nghiệp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam”, nhận định của ông Volodin đăng tải trên trang web của Hạ viện Quốc hội Nga.
Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Nga gửi lời chia buồn tới Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ông Volodin cũng thay mặt Duma Quốc gia Nga chuyển lời cảm thông chia buồn tới gia đình và thân nhân của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng satn Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời hưởng thọ 81 tuổi sau một thời gian lâm bệnh nặng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có thông cáo đặc biệt về việc tổ chức quốc tang và mai táng đồng chí Tổng bí thư.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và bảo vệ luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Sau đó ông trở thành Giáo sư, nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Lịch sử-Chính trị sau thời gian theo học từ 1981-1983 tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ở Matxcơva. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu Ngôn ngữ và văn học Nga.
Trước khi được bầu làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng lần đầu tiên vào năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Quốc hội Việt Nam trong 5 năm, còn trước nữa ông từng giữ nhiều chức vụ trong ban lãnh đạo Đảng của đất nước, trong đó có chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ba lần ông được bầu vào cương vị đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam - vào các năm 2011, 2016 và 2021. Từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 1 năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước Việt Nam sau khi ông Trần Đại Quang qua đời.