Toà cũng đề nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt bà Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng).
Tuyên án các bị cáo trong đường dây buôn lậu vàng
Ngày 19/7, sau hơn 3 ngày xét xử, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án các bị cáo trong đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, giá trị hơn 8.400 tỷ đồng.
Toà cho rằng, quá trình điều tra và xét hỏi công khai tại tòa, có đủ cơ sở để khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Buôn lậu” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
HĐXX khẳng định, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu và Nguyễn Thị Minh Phụng là chủ mưu, cầm đầu, có vai trò chính trong vụ án; các bị cáo khác có vai trò đồng phạm.
“Các bị cáo buôn lậu số lượng vàng đặc biệt lớn”, toà nêu rõ hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến sự ổn định của hoạt động kinh doanh vàng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước nên cần xử lý nghiêm.
Hội đồng xét xử khi tuyên án đã xem xét, ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục một phần hậu quả, một số bị cáo gia đình có công với cách mạng…
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, kê biên tài sản của các bị cáo để đảm bảo quá trình thi hành án.
Do vật chứng vụ án là vàng nhập lậu nên HĐXX buộc các bị cáo liên quan nộp lại toàn bộ số tiền tương đương hơn 6 tấn vàng để tịch thu đưa vào ngân sách nhà nước.
Trong đó, nhóm của Phụng nộp lại 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỷ đồng; nhóm của bị cáo Nguyễn Thị Kim Phượng nộp lại 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.
HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng 18 năm tù, Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) 15 năm tù, Nguyễn Thị Thúy Hằng 8 năm tù và 20 đồng phạm từ 4-12 năm tù về cùng tội buôn lậu. Con trai bị cáo Giàu, bị cáo Trần Thanh Thắng (SN 2002) bị tuyên phạt 12 năm tù.
HĐXX đã kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt bà Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng, đang bị truy nã) nhằm xử lý triệt để vụ án và cần tiếp tục duy trì kê biên hàng loạt tài sản của bà Hằng để đảm bảo thi hành án.
Đường dây đưa hơn 6 tấn vàng từ Campuchia vào Việt Nam
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng thấy giá vàng trong nước cao hơn Campuchia nên móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh sống gần cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh) cùng nhiều người khác lập hai đường dây vận chuyển vàng về Việt Nam, bán lại cho khách hàng, kiếm lời bất chính.
Đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu và lôi kéo 20 người tham gia.
Từ tháng 8 - 9/2022, các đối tượng buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.644 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam, hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.
Đường dây thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu và lôi kéo 5 người khác tham gia.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2022, các đối tượng buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, trị giá 1.817 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam, hưởng lợi hơn 6,8 tỷ đồng.
Như vậy, từ tháng 7 - 9/2022, hai đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu, móc nối với các đối tượng đã buôn lậu 6.150 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam, với trị giá 8.461 tỷ đồng, thu lợi bất chính 24,4 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, một trong những khách hàng của Phụng (ở đường dây thứ nhất) là bà Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) đã thỏa thuận, thống nhất đặt mua vàng nhập lậu.
Riêng bà Hằng đã mua của Phụng 293 kg vàng lậu trị giá gần 400 tỷ đồng. Tiệm vàng của Hằng đã bán cho tiệm Kim Hiền Bình Minh 50 kg vàng, trị giá 72,6 tỷ đồng. Số còn lại, bà Hằng chỉ đạo đồng phạm chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.
Ngày 26-9-2022, Hằng xuất cảnh nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định truy nã đối tượng này.
Đến ngày 25-1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, tách vụ án đối với bà Hằng để tiếp tục xử lý khi bắt được.
Chính phủ Việt Nam đã quy định Nhà nước độc quyền xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt việc nhập khẩu vàng thỏi, vàng miếng, vàng nguyên liệu.