Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đột ngột qua đời, Việt Nam mất đi người đốt lò vĩ đại

Nhìn lại di sản đồ sộ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không thể không đề cập đến vai trò của ông như một “người đốt lò” vĩ đại trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Sputnik
Hai nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang bình luận trên Fulcrum cho rằng, thành tựu quan trọng nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc phát động một chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu nhắm vào các quan chức thuộc mọi cấp bậc.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Báo - Nguyên Chánh Thanh tra, những đóng góp của Tổng Bí thư với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khắc họa hình ảnh “Người đốt lò” vĩ đại sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tổng Bí thư và vai trò “người đốt lò vĩ đại”

Theo 2 nhà phân tích Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang, từ năm 2016 đến nay, trên 139.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 40 ủy viên Trung ương Đảng và 50 tướng lĩnh trong lực lượng Quân đội, Công an.
Theo hai nhà nghiên cứu này thì sự cống hiến không ngừng nghỉ của Tổng Bí thư Trọng trong công tác xây dựng đảng tạo ra những chuyển đổi thể chế đáng kể trong hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Việt Nam tuyên bố 2 ngày Quốc tang, danh sách Ban lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thị Báo - Nguyên Chánh Thanh tra, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích những đóng góp nổi bật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Chính những đóng góp lớn lao này đã khắc họa hình ảnh “Người đốt lò” vĩ đại sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, - PGS.TS Nguyễn Thị Báo viết trên báo Thanh Tra sau tin buồn Tổng Bí thư qua đời.

Quét sạch quan tham trong bộ máy

Theo vị chuyên gia, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa, vận dụng phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
PGS.TS Báo chỉ ra rằng Tổng Bí thư có kiến thức uyên bác, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, cùng nỗi niềm đau đáu mong muốn nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quét sạch “quan tham” làm trong sạch bộ máy, đem lại niềm tin và hạnh phúc cho nhân dân.
Tổng Bí Thư đã xác định rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần có nhận thức đầy đủ, phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới?.
Nhắc nhở tham nhũng, tham ô là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi tham nhũng là “ăn cắp của công làm của tư”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”.
Thế giới nghĩ gì về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Ông chỉ rõ, tiêu cực là cái gốc của tham nhũng, cho nên: “Nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
“Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”, - Tổng Bí thư lưu ý.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, chính khẳng định này của Tổng Bí thư đã phản bác lại quan điểm của các thế lực thù địch cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là hệ quả của chế độ độc Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Vấn đề thứ hai, theo chuyên gia, Tổng Bí thư đã làm rõ sự kế thừa và phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của chế độ ngày càng rõ hơn, thể hiện rõ nhất trong văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng.
Gần nhất là Đại hội XIII khẳng định tham nhũng, tiêu cực “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, Đảng Cộng sản Việt Nam “chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất”.
Tổng Bí thư đã phân tích, chỉ rõ “những bước tiến mới” trong nhận thức của Đảng về tác hại của tham nhũng, tiêu cực, ví dụ như trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung trong khu vực Nhà nước thì nay mở rộng ra cả khu vực ngoài Nhà nước; không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Lễ Quốc tang được tổ chức như thế nào?
Thứ ba, từ đánh giá những kết quả đạt được Tổng Bí thư đã đúc rút ra 8 bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng về quá trình lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, bao gồm: i) Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất đúng, hành động quyết liệt và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng…
Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ii) Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”… là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng”…
Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực; iii) Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”…
Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; iv) Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá; v) Phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước… Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế; vi) Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này; phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vii) Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
Chủ tịch Tập Cận Bình đã viết gì về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước.
Thứ tư, theo nguyên Chánh Thanh tra Nguyễn Thị Báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực ở Việt Nam là:
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ; Kết hợp giữa xây và chống; Phòng ngừa là chính, trừng trị là cần thiết; Tăng cường kiểm tra, giám sát; Phát huy vai trò của nhân dân và báo chí sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng”.
Tổng Bí thư đã xác định rõ trách nhiệm, định hướng giải pháp để Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện thắng lợi cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường theo phương châm: “Phải có những bước tiến mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới”.
Trong đó, phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc đời, sự nghiệp và di sản lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, mặc dù, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí về phòng, chống tham nhũng tiêu cực nêu trên sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch bộ máy của Đảng Nhà nước; tiếp tục thực hiện những dự định và mong muốn cao cả của đồng chí về xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phát triển bền vững vì hạnh phúc của Nhân dân, tiếp tục nâng cao và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thảo luận