Và chúng ta sẽ bắt đầu với những thông tin về lễ tang này trên các phương tiện truyền thông của thế giới.
Đất nước và thế giới đau buồn
Báo, tạp chí, các hãng thông tấn, cổng thông tin các nước đều nói về nghi lễ vĩnh biệt ông Nguyễn Phú Trọng của nhân dân Việt Nam và đại biểu Nhà nước cấp cao của các quốc gia khác nhau trên khắp thế giới.
Tạp chí Mỹ nổi tiếng Time dẫn lời một người dân Việt Nam thương tiếc Tổng Bí thư vừa ra đi: “Ông ấy là người cộng sản chân chính cuối cùng, không hề nghĩ đến lợi ích của bản thân và gia đình”.
“Ông Nguyễn Phú Trọng từ trần, nước Nga đã mất đi một người bạn đích thực, người đã mang những đóng góp đáng kể vào việc phát triển quan hệ Nga-Việt như là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, - cổng thông tin của đảng «Nước Nga công bằng» trích dẫn lời nhà lãnh đạo Sergei Mironov.
"Ngoại giao cây tre” trong hành động
Việc ông Nguyễn Phú Trọng qua đời đã buộc các nhà khoa học chính trị phải suy tư về ý nghĩa di sản của ông đối với Việt Nam và về tương lai của đất nước dưới thời người kế nhiệm ông.
Ấn phẩm phân tích Fulcrum viết: “Dẫn dắt Việt Nam vượt qua thời kỳ căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng, ông Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo thực hiện điều mà ông gọi là “quản lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn”.
Đặc điểm nổi bật trong di sản chính sách đối ngoại của ông Nguyễn Phú Trọng là khái niệm “ngoại giao cây tre”, được ông cố gắng thúc đẩy như một thực tiễn độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam”.
Nhìn lại lịch sử bang giao của Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga trong 13 năm qua, ấn phẩm nhắc đến những thành công nổi bật của “ngoại giao cây tre” và phần đóng góp cá nhân của Tổng Bí thư trong những thành công đó. Bài báo kết luận, vị Tổng Bí thư kế tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam không những cần bảo tồn di sản của ông Nguyễn Phú Trọng trong chính sách đối ngoại mà còn phải phát triển tầm nhìn chiến lược dài hạn dành cho Việt Nam trong bối cảnh môi trường địa chính trị đang biến đổi.
Xét tình hình thực tế với khả năng cao là ứng viên Donald Trump có thể trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, Fulcrum phân tích nhiệm kỳ đầu tiên của Trump và thử hình dung xem nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông sẽ có ý nghĩa và tác động gì chăng đối với Việt Nam. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump ở nước Mỹ, Hà Nội đã đạt thành công giảm thiểu thiệt hại từ những chính sách không bình ổn và khó lường của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ mọi chuyện có thể sẽ khác. Thứ nhất, môi trường quốc tế phân cực hiện nay phức tạp hơn nhiều so với năm 2016. Căng thẳng gia tăng không ngừng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ song hành với lập trường cứng rắn của Trump về Trung Quốc có thể làm co hẹp đáng kể khả năng dành cho chiêu thức ngoại giao của Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mexico trong danh sách các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ ở mức 104 tỷ USD. Hà Nội sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc về cách tự bảo vệ mình trước những lệnh trừng phạt thương mại tiềm ẩn từ chủ nghĩa bảo hộ của Trump. Nhưng các chuyên gia hy vọng rằng liên hệ của Trump với Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông sẽ là cơ sở giúp Hà Nội có khởi đầu thuận lợi trong việc đảm bảo bang giao ổn định và an toàn đáng tin cậy với ê-kip lãnh đạo Washington. Ngoài ra, mức độ quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao nhất và Trump chắc là sẽ duy trì xu hướng phát triển của họ, coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc sau khi ông Nguyễn Phú Trọng từ trần, theo đánh giá cuả South China Morning Post, Hà Nội được chờ đợi sẽ tiếp tục thi hành chính sách “ngoại giao cây tre” thực dụng và quan hệ với Trung Quốc sẽ vẫn “ổn định”.
Không nhận thấy bất kỳ thay đổi mạnh nào trong chính sách của Việt Nam đối với Matxcơva, các chuyên gia lưu ý rằng đối với Việt Nam, Nga là đối tượng cân bằng tốt so với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực, đồng thời là nhà xuất khẩu công nghệ quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, tờ Vedomosti nhấn mạnh.
Biển Đông vẫn nổi sóng như trước
Nhưng dưới thời Tổng Bí thư mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ tiếp tục hiện hữu một số vấn đề về chính sách đối ngoại. Trong những tồn tại đó phải kể đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chứng tỏ về điều này là thái độ không hài lòng của một trong những bên tham gia tranh chấp - Đài Loan - trước việc Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký mở rộng thềm lục địa của mình. Cơ quan đối ngoại của Đài Loan gọi yêu cầu này là «không thể chấp nhận», như Focus Taiwan viết.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội rất coi trọng việc tăng cường sức mạnh quân sự của mình và cụ thể là đa dạng hóa việc mua sắm vũ khí. Reuters thông báo rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận về thương vụ bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 Hercules cho Hà Nội, cũng như trực thăng và máy bay do Mỹ sản xuất, kể cả máy bay chiến đấu F-16. Nhưng đó vẫn còn là việc trong tương lai xa xôi.
Còn hiện thời, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam. Một trong những mẫu vũ khí đã cung cấp là khu trục hạm «Trần Hưng Đạo» được đóng tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ở Tatarstan vừa đây có chuyến thăm hữu nghị kéo dài một tuần tới cảng Vladivostok của Nga, như tờ Voennoe obozrenia đưa tin.
Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian gần tới, sau mất mát lớn của ban lãnh đạo Đảng và trong bối cảnh môi trường địa chính trị biến động phức tạp? Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng đất nước sẽ vượt qua mọi giông bão, giữ vững và thành công trên con đường mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt trong sự nghiệp cống hiến suốt đời ông.