Dấu ấn AMM-57. Cân bằng và ổn định tại khu vực và vai trò của Nga
ASEAN quan tâm tới đề nghị của Nga về việc xây dựng một cấu trúc an ninh bao trùm, không thể chia cắt và bình đẳng và ASEAN nhìn thấy khả năng Nga đóng vai trò là nhân tố ổn định và cân bằng trong khu vực.
SputnikNhư Sputnik đã đưa tin, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan đã diễn trong 4 ngày 24-27/7/2024 với 20 hoạt động. Theo đánh giá chung của giới chuyên gia và báo chí, AMM - 57 đã để lại nhiều dấu ấn về một ASEAN kết nối và tự cường.
Chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp của Nga với các đối tác là việc xây dựng một cấu trúc an ninh mới tại khu vực Á-Âu.
AMM-57 tại Lào đề cao sự đoàn kết và sự tin cậy
Theo thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt, tính kết nối được phản ánh rõ nét qua từng hoạt động của ASEAN tại AMM-57. Các nước đều đồng thuận đề cao sự đoàn kết và sự tin cậy là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của ASEAN.
AMM-57 đã thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan tới các lĩnh vực như kinh tế số, chuyển đổi xanh, tự cường chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối khu vực về hạ tầng, thể chế và con người. Trong khuôn khổ AMM-57, ASEAN đã thúc đẩy những sáng kiến nhằm nâng cao tính kết nối của tổ chức này. Ví dụ như Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Anh về tăng cường kết nối, Quỹ Tương lai số ASEAN-Ấn Độ, Sáng kiến xanh và Gói kết nối bền vững
ASEAN-EU…
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) ủng hộ chủ đề ASEAN 2024 về Thúc đẩy kết nối và tự cường. Hội nghị nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến những biến động nhanh chóng, khó lường, EAS cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là diễn đàn của các nhà Lãnh đạo về các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Còn trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước tiếp tục khẳng định ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực về trao đổi và đối thoại liên quan tới các vấn đề chính trị, an ninh. Các bên đồng thuận rằng, cần duy trì đối thoại thiện chí, thúc đẩy xây dựng lòng tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của ARF nhằm ứng phó hiệu quả và kịp thời các thách thức đang nổi lên, gồm cả các thách thức truyền thống và phi truyền thống.
ARF cũng thông qua danh mục các hoạt động năm giữa kỳ 2024-2025, với gần 30 hoạt động trong các lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, an ninh biển... Trong đó, Việt Nam sẽ đồng tổ chức một số hoạt động như thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (
UNCLOS 1982) và Chương trình Nghị sự phụ nữ, hoà bình và an ninh (WPS), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Quan hệ đối tác Mê Công Mỹ (MUSP) lần thứ 3... ARF cũng thông qua Tuyên bố ARF về tăng cường hợp tác khu vực về an toàn phà do Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Singapore đồng bảo trợ.
AMM-57 đề cao sự đoàn kết và việc duy trì cách tiếp cận cân bằng trước các vấn đề lớn của khu vực và thế giới
Tại các Hội nghị trong khuôn khổ AMM-57, các nước cũng thảo luận tích cực các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như Biển Đông, Myanmar, Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên,
xung đột Nga-Ukraina.
“Không nằm ngoài dự đoán, cuộc xung đột ở Myanmar và căng thẳng trên Biển Đông đã trở thành đề tài tranh luận nóng trong chương trình nghị sự của AMM-57. Xung đột ở Myanmar là thách thức lớn cho ASEAN, khi kế hoạch hòa bình 5 điểm vốn được thống nhất sau cuộc chính biến năm 2021 đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Liên quan đến Biển Đông, AMM-57 cũng thúc đẩy việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Nhưng theo tôi, khó mà có thể đạt được COC. Trong khi đó, tình hình ở Biển Đông đang trở nên căng thẳng hơn hàng ngày trong bối cảnh các cuộc đối đầu liên tiếp giữa Trung Quốc và Philippines”, - PGS-TS sử Giang Hoàng phát biểu với Sputnik.
PGS-TS sử Giang Hoàng cũng lưu ý, trong bối cảnh ASEAN phải hợp tác với các đối tác đối trọng nhau, ASEAN thể hiện nhất trí là phải đoàn kết, giữ vai trò trung tâm, duy trì nền tảng hòa bình và ổn định trong khu vực, mặc dù đây là một thách thức rất lớn đối với ASEAN.
Với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", AMM-57 tại Lào đã đề cao sự đoàn kết và việc duy trì cách tiếp cận cân bằng trước các vấn đề lớn của khu vực và thế giới.
“Có thể nói, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và ARF tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh. Kết thúc chuỗi Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57, gồm 165 đoạn.
Thông cáo chung phản ánh đầy đủ và toàn diện nội dung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác ASEAN trên từng trụ cột Cộng đồng, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề quốc tế, khu vực”, - Nhà báo, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Hoàng Đức nói với Sputnik.
Ông Lavrov: ASEAN đã bày tỏ sự quan tâm đến ý tưởng của Nga về việc hình thành cấu trúc an ninh mới ở Á-Âu
Tại AMM-57, ngày 26/7 đã diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ngoại trưởng Nga cho biết, hai bên đã thảo luận "chi tiết" các vấn đề hợp tác trong ASEAN và việc triển khai "một kiến trúc an ninh mới" ở khu vực Á – Âu. Đây là sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn theo Tân Hoa xã thì Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh "sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì cấu trúc hợp tác khu vực cởi mở, toàn diện và lấy ASEAN làm trung tâm" trước "những xáo trộn và trở ngại từ bên ngoài".
Theo Sputnik, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các nước ASEAN đã bày tỏ sự quan tâm đến ý tưởng của Nga về việc hình thành cấu trúc an ninh mới ở Á-Âu; họ hiểu rằng phương Tây đang thúc đẩy các khuôn khổ hẹp hơn trong ASEAN nhằm kiềm chế Trung Quốc và Liên bang Nga.
“Phương Tây vẫn đang thúc đẩy các định dạng hẹp hơn với mục tiêu công khai, họ không che giấu điều đó, đó là kiềm chế Trung Quốc và Liên bang Nga. Các đối tác ASEAN của chúng tôi hiểu rất rõ điều này và đã thể hiện sự quan tâm đến sáng kiến của Tổng thống Liên bang Nga Putin.
Hệ thống an ninh Á-Âu mà tôi đã đề cập là không thể chia cắt và bình đẳng", - Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói sau cuộc gặp Nga-ASEAN và cuộc họp cấp bộ trưởng các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết, các nước Đông Nam Á nhìn thấy khả năng Nga đóng vai trò là nhân tố ổn định trong bối cảnh những hành động “trơ tráo” của các tay chơi ngoài khu vực trong khu vực, bao gồm cả Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Nguyễn Hồng Long, các quốc gia ASEAN có quyết tâm rất cao trong việc tăng cường an ninh của các quốc gia trong khu vực và thúc đẩy hòa bình trong khu vực cũng như an ninh thế giới nói chung. Tuy nhiên, một số quốc gia phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã không đoái hoài đến mục đích đó.
“Trong con mắt của người Mỹ, ASEAN chỉ có một giá trị duy nhất, đó là giá trị của một địa bàn cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị và cả địa quân sự đối với Trung Quốc cũng như đối với mưu đồ thâu tóm quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ.
Trong mưu đồ ấy, không có chỗ cho hòa bình ở ASEAN, lợi ích của các nước ASEAN bị đặt xuống hàng thứ yếu sau lợi ích của nước Mỹ mà nói trắng ra là bị coi rẻ; không khác mấy khi so sánh với lợi ích của các nước thuộc địa bị “hy sinh” vì lợi ích của các nước đế quốc, thực dân”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long cũng lưu ý tới vấn đề là với việc hạ bệ được tổng thống Rodrigo Duterte và đưa cháu nội của cố tổng thống Ferdinand Marcos lên cầm quyền, người Mỹ coi như đã đặt “một chân của con sói” vào ASEAN.
“Lấy cớ phục vụ cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines, Mỹ đã cho triển khai các tên lửa Tomahawk và SM-6 trên lãnh thổ Philippines. Gần 3 tháng sau, Mỹ tuyên bố rút các tên lửa này nhưng không hề đưa ra bằng chứng được kiểm định tính chính xác. Ngay cả nếu đúng là Mỹ đã rút các tên lửa này khỏi lãnh thổ Philippines thì hệ thống cơ sở hạ tầng và hậu cần kỹ thuật của chúng vẫn còn nguyên đó.
Và nó vẫn sẽ trở lại hoạt động khi cần đến với tốc độ triển khai nhanh chóng. Điều này cho thấy một trong những sự “tráo trở” của người Mỹ”, - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng lưu ý tới vấn đề thứ hai là Mỹ sẽ chuyển giao
một loạt vũ khí hiện đại cho Đài Loan. Ngoài các cơ sở hạ tầng quân sự cố định ở Philippines, Mỹ tăng cường các chuyến thăm viếng quân sự tới Philippines với đầy đủ tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu sân bay… Các lực lượng này không chỉ “thăm viếng suông” mà còn tiến hành các hoạt động tuần tra trên Biển Đông dưới cái vỏ bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải. Những “cơ sở quân sự di động” có tác dụng uy hiếp cũng như sẵn sàng sử dụng không kém các “cơ sở quân sự cố định” trên đất liền.
“Đối với các quốc gia Đông Nam Á khác, Mỹ sử dụng chiến thuật “vừa đánh, vừa xoa”, vừa đe dọa về chính trị, sử dụng các tổ chức phản động ngầm gây mất ổn định, vừa sử dụng các chiêu bài hạn chế buôn bán, đánh thuế vô lý, gây sức ép về tài chính đi đôi với mua chuộc, lôi kéo các nước ASEAN vào quỹ đạo của Mỹ. Hàng loạt các thủ đoạn ve vãn của Mỹ được tung ra dựa trên câu chuyện về “Con hổ Bắc Kinh” để hù dọa các nước Đông Nam Á, để họ vì sợ hãi mà đồng ý cho Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình với các mục đích quân sự.
Nhiều người cho rằng đây là câu chuyện tưởng tượng. Tuy nhiên, nó đang diễn ra trên thực tế, bất kể ai, bất kể đảng “con voi” hay đảng “con lừa” là “ông chủ Nhà Trắng. Phát biểu của Ngoại trưởng Nga về “những hành động “trơ tráo” của các tay chơi ngoài khu vực trong khu vực, trong đó có Hoa Kỳ” phản ánh thực chất của tình hình hiện nay trong khu vực”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
“Trong bối cảnh NATO đang tích cực thúc đẩy cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực này, Mỹ thì lợi dụng những mâu thuẫn tồn tại giữa các nước trong khu vực, các nước ASEAN thực ra đang có những sự không hài lòng về hệ thống an ninh do phương Tây thúc đẩy. Trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng đối với Đông Nam Á từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Nga đề nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng một mô hình an ninh bao trùm - bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả.
Cách tiếp cận này, mô hình này là có thể, bởi vì Mátxcơva và Bắc Kinh – hai nước đóng vai trò quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan điểm chung về vấn đề, và ASEAN, tất nhiên, quan tâm tới một mô hình an ninh như thế”, - PGS – TS sử Giang Hoàng phát biểu với Sputnik.
Liên Bang Nga đóng vai trò là một cực quan trọng trong sự cân bằng tương đối trong quan hệ quốc tế của ASEAN
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, trong bối cảnh những hành động “trơ tráo” của các tay chơi ngoài khu vực trong khu vực, bao gồm cả Mỹ, các nước Đông Nam Á nhìn thấy khả năng Nga đóng vai trò là nhân tố cân bằng và ổn định.
Trước hết, Liên bang Nga hiện nay là đối tác tác chiến lược của ASEAN. Nga luôn coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược này không chỉ ở các vấn đề kinh tế, thương mại, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và hợp tác trong khoa học, giáo dục. Nói tới vai trò của Nga như là một nhân tố cân bằng và ổn định thì phải lưu ý vấn đề vai trò, vị trí của Liên bang Nga trong
cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ riêng
cuộc đối đầu Mỹ - Trung về thương mại kép dài từ năm 2016 đến nay đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế đối với các quốc gia ASEAN. Đại dịch COVID-19 càng khoét sâu thêm những thiệt hại đó, gây nhiều bất lợi cho các nước ASEAN khi vừa phải gồng mình chống dịch, vừa duy trì ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân, vừa tìm cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế. Cuộc cấm vận của Mỹ đối với Liên bang Nga trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là về kinh tế cũng gây khó khăn cho các quốc gia ASEAN trong việc tiếp cận thị trường Nga và ngược lại.
“Trong tương lai gần, nếu sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang thì các nước ASEAN sẽ còn gánh chịu thêm nhiều bất lợi khi hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận kinh tế sẽ rất khó thực thi trong điều kiện mất ổn định, hòa bình bị đe dọa. Trong điều kiện ấy, vai trò của Liên bang Nga sẽ có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế những bất lợi đó.
Quan điểm trước sau như một của Nga là không đánh đổi lợi ích của đối tác ASEAN để đối lấy lợi ích trong quan hệ với bên đối tác thứ ba là Trung Quốc; lại càng không bao giờ đánh đổi lợi ích của ASEAN để lấy sự hòa hoãn với Mỹ và phương Tây. Điều này là rõ ràng”, - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, thông điệp của ngoại trưởng Nga còn nhắm đến cả các đồng minh của Mỹ trong EU, những quốc gia mà nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam có quan hệ đối tác, đối tác chiến lược.
“Trong điều kiện một NATO mới đang manh nha hình thành ở Tây Thái Bình Dương với bộ ba Mỹ, Australia và Anh, một cuộc chạy đua vũ trang mới cũng đang dần dần hình thành cùng với những mưu đồ tái hiện diện tại Châu Á của các “cựu thực dân” của “lục địa già” theo ngọn cờ của Washington, việc duy trì mối quan hệ quốc tế cân bằng của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng gặp phải những thách thức to lớn hơn.
Vì vậy, sự phục hồi và phát triển của Liên bang Nga có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng ấy”, - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh với Sputnik.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng nói thêm rằng, các quốc gia ASEAN có thể thấy ngay trước mặt mình một mô hình khả thi cho việc đảm đảm sự cân bằng chiến lược trong các mối quan hệ quốc tế.
Đó là Việt Nam. Với trường phái “ngoại giao cây tre”, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba cường quốc hàng đầu là Nga, Trung Quốc và Mỹ, có quan hệ đối tác chiến lược với cả 5 quốc gia là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Trong số 7 quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, có một số quốc gia đang cạnh tranh kịch liệt với nhau, thậm chí gần đến mức coi nhau như kẻ thù.
“Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều có cây tre. Tuy nhiên, việc sử dụng mô hình “ngoại giao cây tre” đòi hỏi cả một nghệ thuật, trong đó, cốt lõi là kiên trì, kiên định và kiên quyết cũng như sự ứng biến mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Vì vậy, để có được sự cân bằng tương đối trong quan hệ quốc tế của ASEAN, Liên Bang Nga đóng vai trò là một cực quan trọng trong sự cân bằng ấy”, - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Nguyễn Hồng Long đưa ra đánh giá về vai trò của Liên bang Nga trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.